Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại lúa tuần qua đi ngang như: IR 50404 từ 7.000 – 7.200 đồng/kg; OM 5451 từ 6.900 – 7.100 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 7.200 – 7.400 đồng/kg, OM 18 từ 7.300 – 7.400 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm, cả nước gieo cấy 5,03 triệu ha, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời đã thu hoạch 3,48 triệu ha, tăng 0,5%; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha. Sản lượng trên diện tích đã thu hoạch 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu được 4, triệu tấn gạo trong 6 tháng; tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với giá trị 2,98 tỷ USD, tăng 32%.
Tuần qua, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 575 - 580 USD/tấn vào ngày 27/6, cao hơn mức 570 USD/tấn của một tuần trước, nhưng vẫn rẻ hơn khoảng 18 USD so với gạo Thái Lan. Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Giá gạo tăng sau khi Philippines quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo". Thương nhân này cho rằng giá gạo khó có khả năng tăng mạnh do nguồn cung dồi dào khi thời gian thu hoạch đang diễn ra.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm do nhu cầu giảm bớt vì cước phí vận chuyển tăng vọt; gạo của Thái Lan giảm do giá cả cạnh tranh hơn từ Việt Nam.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được báo giá từ 541 - 548 USD/tấn trong tuần qua, giảm so với mức từ 544 - 552 USD/tấn của tuần trước đó. Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh cho biết: "Trong tháng qua, cước phí vận chuyển container đã tăng vọt, buộc người mua phải chuyển sang hình thức đóng hàng rời. Tuy nhiên, ngay cả cước phí đóng hàng rời cũng tăng lên, khiến người mua phải tạm dừng hoạt động".
Chỉ số cước phí vận tải biển chính của Sở Giao dịch Baltic, theo dõi giá cho các tàu chuyên chở hàng rời khô, đã tăng vào ngày 26/6 do giá cước cho tàu capsize (tàu chở hàng xá/rời và có kích thước lớn) cao hơn.
Các thương nhân ở Thái Lan cho rằng giá giảm là do tỷ giá hối đoái và nhu cầu chậm lại trong bối cảnh giá cả cạnh tranh hơn từ các đối thủ xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam. Một thương nhân ở Bangkok cho biết: "Khi giá gạo ở Việt Nam giảm, chúng tôi sẽ rất khó bán gạo nếu giá gạo Thái Lan vẫn ở mức cao". Người này cho biết nguồn cung mới được dự đoán sẽ dồi dào vào tháng tới nhờ có đủ lượng mưa.
Cuối tháng 5/2024, Brazil đã tạm dừng áp dụng thuế nhập khẩu đối với ba loại gạo sau những trận lũ lụt kinh hoàng ở bang Rio Grande do Sul, khu vực sản xuất gạo hàng đầu của quốc gia Nam Mỹ này.
Nhiều cánh đồng lúa ở khu vực này, nơi sản xuất tới 70% sản lượng gạo của Brazil, đã bị nước nhấn chìm trong ba tuần qua do những trận lũ lụt. Chính quyền Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva cho biết việc miễn thuế, có hiệu lực đến ngày 31/12 tới, nhằm đảm bảo người tiêu dùng không phải đối mặt với tình trạng giá mặt hàng lương thực thiết yếu này tăng vọt.
Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Thương mại Geraldo Alckmin cho hay với việc giảm thuế xuống mức 0%, Brazil có thể tránh được tình trạng thiếu hụt và giá cả leo thang do nguồn cung giảm.
Trước đây, chỉ các quốc gia thành viên khối thương mại Mercosur, trong đó có Argentina, Paraguay và Uruguay, mới được miễn thuế khi bán gạo cho Brazil. Tuy nhiên, trang tin G1 ngày 20/5 dần lời Bộ trưởng Nông nghiệp Carlos Favaro cho biết các nhà xuất khẩu trong Mercosur đã tìm cách tăng giá gạo bán cho Brazil tới 30% sau những trận lũ lụt.
Chính phủ cho biết việc miễn thuế sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất khác, chẳng hạn như Thái Lan, hiện đang cung cấp 18,2% lượng gạo nhập khẩu của Brazil, với giá bán cạnh tranh hơn.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá lúa mỳ tại Chicago giảm trong phiên giao dịch ngày 28/6, sau mức tăng mạnh trong phiên trước đó, và đang hướng đến mức giảm theo tháng lớn nhất trong hai năm qua, do sản lượng thu hoạch ở Bắc bán cầu và thời tiết thuận lợi cho hoạt động gieo trồng ở Argentina đã gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Giá lúa mỳ trong hợp đồng có kỳ hạn giao gần nhất trên Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) giảm 0,2% xuống 5,78 USD/bushel. Giá lúa mỳ đã giảm gần 15% trong tháng này, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6/2022 (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Hoạt động thu hoạch lúa mỳ ở các nước xuất khẩu hàng đầu ở Bắc bán cầu đã tạo thêm áp lực theo mùa lên giá mặt hàng này. Bên cạnh đó, Sàn giao dịch Ngũ cốc Buenos Aires cho biết việc gieo trồng lúa mỳ cho vụ mùa hiện tại ở Argentina đã tiến triển nhanh chóng trong tuần qua do tình hình mưa thuận lợi trên một số vùng đất nông nghiệp chính của nước này.
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã nâng cao dự báo sản lượng lúa mỳ của Liên minh châu Âu (EU) trong năm nay và xuất khẩu lúa mỳ của EU cả trong vụ mùa hiện tại và vụ tới.
Trong khi đó, ngô và đậu tương đồng loạt tăng giá, nhưng cả hai đều có khả năng giảm giá khi tính chung cả tháng Sáu. Giá ngô tăng 0,3% lên 4,2375 USD/bushel và giá đậu tương tăng 0,4% lên 11,0925 USD/bushel. Tính đến nay, giá ngô đã giảm hơn 5% trong tháng này, mức giảm lớn nhất kể từ tháng Tám năm ngoái, còn giá đậu tương giảm khoảng 8%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 5/2023.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) mới đây đã nâng dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2024/25, chủ yếu do triển vọng cải thiện đối với vụ ngô của Brazil.
Những nước mua lúa mì ở châu Á, châu Phi và Trung Đông - vốn chiếm 2/3 tổng lượng nhập khẩu lương thực toàn cầu – đang gặp tình trạng nguồn cung khan hiếm sau khi thời tiết bất lợi ở Nga và châu Âu bất ngờ đẩy giá lúa mì tăng 30% kể từ tháng Tư.
Nhiều nhà nhập khẩu lúa mì giai đoạn trước chỉ mua hàng trước 1-2 tháng, thay vì 4-6 tháng như thường lệ với kỳ vọng rằng nguồn cung sẽ tiếp tục dồi dào. Giờ đây, họ sẽ phải mua ngũ cốc với giá cao hơn và nhiều khả năng sẽ chuyển gánh nặng giá đó sang người tiêu dùng.
Giá thực phẩm cao hơn sẽ tổn thương thêm tâm lý của người tiêu dùng trên toàn cầu, vốn vẫn đang phải tìm cách thích nghi với lạm phát cao hậu đại dịch COVID-19 cùng những tác động từ xung đột tại Ukraine.
Trong khi sương giá đã ảnh hưởng đến mùa màng ở nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới là Nga, tình trạng khô hạn hoặc mưa quá nhiều đang có nguy cơ làm giảm sản lượng ở EU. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thấp hơn trong nửa cuối năm, trong khi đây thường là giai đoạn quan trọng đối với sản xuất và thương mại lúa mì toàn cầu.
Về thị trường cà phê thế giới, đồng USD giảm nhẹ tiếp tục hỗ trợ giá cà phê Arabica tăng, trong khi giá cà phê Robusta nối tiếp đà giảm.
Kết thúc phiên giao dịch 28/6, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2024 giảm 36 USD/tấn, ở mức 4.011 USD/tấn, giao tháng 11/2024 giảm 15 USD/tấn, ở mức 3.850 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tăng 0,45 xu Mỹ/lb, ở mức 226,8 xu Mỹ/lb, giao tháng 12/2024 tăng 0,3 xu Mỹ/lb, ở mức 224,5 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg)
Phiên này, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với các đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,04%, xuống mốc 105,87. Đồng USD trượt giá sau khi dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm vào tháng trước, củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Giá cà phê Arabica còn được hỗ trợ bởi thông tin hợp tác xã cà phê Expocacer cho biết nông dân trồng cà phê Brazil đang thu hoạch những hạt cà phê nhỏ hơn bình thường trong vụ thu hoạch này, sau khi cây cà phê trải qua thời kỳ nắng nóng và hạn hán gây tổn hại cho sự phát triển. Mặc dù cho đến nay mức độ tác động là chưa rõ ràng, nhưng mối lo ngại này đã thúc đẩy một sự điều chỉnh giảm sản lượng ước tính của cà phê Arabica.
Còn tại thị trường cà phê trong nước, giá ngày 29/6 giảm nhẹ so với ngày 28/6. Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng), cà phê được thu mua với mức 118.600 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê ở mức 119.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) cà phê được thu mua cùng mức 119.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê ở mức 119.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 119.800 đồng/kg ở Đắk R'lấp. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 119.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 119.600 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 119.700 đồng/kg.