Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sau khi tăng trở lại hầu hết các loại lúa tuần qua duy trì đi ngang, một số loại thì tăng nhẹ từ 100 – 200 đồng/kg. Điển hình như: Đài thơm 8 từ 7.800 – 8.000 đồng/kg; OM 18 từ 7.500 – 7.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.500 – 7.700 đồng/kg; IR 50404 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; riêng lúa Nhật ổn định từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Về nếp, lúa nếp tươi Long An dao động quanh mốc 7.700 – 7.900 đồng/kg; lúa nếp 3 tháng tươi ở mức 7.900 - 8.200 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000-20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 – 18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu có thể đã hình thành mặt bằng giá mới. Vụ Đông Xuân là vụ lúa có nguồn cung lớn và chất lượng tốt nhất. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đang tăng cường thu mua gạo dự trữ cho các hợp đồng.
Hiện nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Một số địa phương, nông dân gặp khó trong vấn đề thu mua lúa do thiếu các ghe vào chở lúa.
Nông dân nhiều địa phương cũng kém vui do, mức giá hiện nay bị xuống khá nhiều so với mức đỉnh vào trước Tết Nguyên đán. Nông dân ở Vĩnh Long cho biết, cách nay hơn một tháng, khi các trà lúa Đông Xuân 2023 - 2024 vừa mới bước vào giai đoạn trổ, nhiều thương lái đã đến xem và đặt cọc tiền mua lúa tươi với giá lên đến 9.500 - 10.000 đồng/kg. Điều này làm nông dân phấn khởi, kỳ vọng một vụ mùa bội thu.
Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, giá lúa giảm từng ngày xuống còn khoảng 8.000 đồng/kg và chỉ vừa “chững” lại trong tuần qua. Vụ lúa này nông dân được mùa những vẫn kém vui vì lợi nhuận giảm so với kỳ vọng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đang cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn đã được thu hoạch xong, không bị thiệt hại.
Tuy nhiên, còn khoảng 29.260 ha lúa có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, bởi nông dân sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15/1/2024 và ở một số địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.
Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 580 USD/tấn, giảm so với mức 600 USD/tấn của tuần trước đó, nhưng tăng so với mức 575 USD/tấn hồi đầu tuần.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần qua, trong bối cảnh các nhà giao dịch đang chờ thêm thông tin về cách tính thuế xuất khẩu.
Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ đã đứng ở mức cao kỷ lục từ 552 - 560 USD/tấn trong tuần qua, so với mức từ 546 - 554 USD/tấn của tuần trước đó.
Các nhà giao dịch Ấn Độ hạn chế bán ra sau khi nước này thay đổi phương pháp tính thuế xuất khẩu. Theo một nhà xuất khẩu ở thành phố Kakinada, thuộc bang miền Nam Andhra Pradesh, người mua không sẵn sàng với mức giá cao kỷ lục, trong khi hoạt động bán ra cũng hạn chế sau khi có sự thay đổi về cách tính thuế.
Tương tự, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng từ 615 USD/tấn ở tuần trước đó lên đạt từ 620 - 622 USD/tấn. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho rằng giá tăng là do nhu cầu ổn định và cho biết nguồn cung mới sẽ được đưa ra thị trường trong tuần tới.
Nhà giao dịch trên cho rằng giá gạo sẽ phục hồi khi sản xuất lúa gạo vẫn đang phải đối mặt với những tác động bất lợi do hiện tượng El Nino trong năm nay. Các nhà giao dịch trong nước vẫn đang mua vào để tăng lượng gạo dự trữ.
Về thị trường cà phê, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (8/3), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe (London) đảo chiều sụt giảm. Giá cà phê tại hợp đồng giao tháng 5/2024 giảm 84 USD, xuống 3.297 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7/2024 giảm 81 USD, còn 3.190 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US (New York) cùng xu hướng giảm. Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 giảm 7 xu, xuống 185,20 xu/lb và kỳ hạn giao tháng 7/2024 giảm 6,45 xu, còn 183,45 xu/lb.
Ở trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 1.200 – 1.400 đồng, xuống dao động trong khoảng 90.200 - 90.700 đồng/kg.
Giá cà phê giảm trở lại do dự báo có mưa ở Brazil làm dịu bớt tâm lý lo ngại về tình trạng khô hạn. Ngoài ra, tỷ giá đồng real của Brazil giảm so với USD đã khuyến khích người dân nước này đẩy mạnh bán cà phê xuất khẩu.
Về thị trường nông sản Mỹ, giá nông sản kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago tăng trong phiên 8/3, dẫn đầu là lúa mỳ.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 5/2024 tăng 1,75 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 4,3975 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ tăng 9,25 xu Mỹ, hay 1,75%, lên 5,3775 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 5/2024 tăng 17,75 xu Mỹ, hay 1,52%, lên 11,84 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Báo cáo Ước tính cung cầu nông sản thế giới tháng 3/2024 của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã hạ dự báo sản lượng đậu tương của Brazil 1 triệu tấn, xuống 155 triệu tấn trong niên vụ 2023-2024, trong khi giữ nguyên dự báo sản lượng của toàn cầu ở mức kỷ lục 397 triệu tấn, tăng 19 triệu tấn so với niên vụ trước.
Báo cáo nâng dự báo sản lượng ngô của Argentina 1 triệu tấn và hạ dự báo sản lượng ngô của Ukraine 1 triệu tấn. Dự trữ ngô toàn cầu được điều chỉnh giảm 2,5 triệu tấn, xuống 319,6 triệu tấn.
Báo cáo giữ nguyên dự trữ ngô của Mỹ ở mức 2,172 tỷ bushel như dự báo hồi tháng 2/2024.