Đóng góp chủ yếu vào đà giảm của toàn thị trường trong ngày hôm qua là các mức sụt giảm của toàn bộ 5 mặt hàng năng lượng. Trong khi đó, phần lớn các mặt hàng còn lại chỉ dao động nhẹ quanh mức tham chiếu, với mức biến động dưới 1%.
Dầu thô quay đầu suy yếu
Chốt ngày, giá dầu WTI giảm 1,87% xuống 82,82 USD/thùng, dầu Brent giảm 1,31% xuống 86,4 USD/thùng, cắt đứt chuỗi tăng 5 ngày liên tiếp. MXV cho biết, một phần, dầu thô chịu lực bán chốt lời sau khi liên tục tăng cao trong 3 tuần vừa qua. Mặt khác, sự không chắc chắn về tình hình lạm phát và kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng khiến nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng trong việc mở các vị thế mua mới.
Dữ liệu lạm phát tháng 07/2023 của Mỹ được công bố tối qua, đã tăng trở lại do giá của mặt hàng thực phẩm tăng mạnh gây cản trở cho quá trình hạ nhiệt lạm phát của Fed. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (CPI) tháng 07/2023 của Mỹ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn 0,1% so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, tuy nhiên tăng với tốc độ nhanh hơn so với mức tăng 3% trong tháng 06/2023.
So với tháng trước, chỉ số CPI tháng 07/2023 của Mỹ đạt mức tăng trưởng 0,2%, phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, giá dầu nhiên liệu tại Mỹ tăng mạnh 3% so với tháng trước.
Chủ tịch Fed bang San Francisco, bà Mary Daly cho biết mặc dù dữ liệu lạm phát gần đây đang đi đúng hướng, nhưng cần phải có sự tiến bộ hơn để chứng minh Fed đã tăng lãi suất đủ để kiềm chế lạm phát. Bà cho biết còn quá sớm để xác định lãi suất hiện tại đủ để hạ nhiệt lạm phát hay chưa. Đồng USD tăng vào cuối phiên, đã gây sức ép tới giá dầu do chi phí giao dịch đắt đỏ hơn.
Trong ngày hôm qua, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) phát hành báo cáo tháng 8, cho thấy sản lượng dầu thô của nhóm trong tháng 7 đã giảm 836.000 thùng/ngày so với tháng trước xuống mức trung bình 27,31 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia thực hiện khá sát cam kết cắt giảm khi giảm 9.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, OPEC điều chỉnh tăng sản lượng các nước không thuộc khối OPEC (non-OPEC) thêm trung bình 100.000 thùng/ngày năm 2023 so với báo cáo trước. Đáng chú ý, OPEC tăng mạnh dự báo sản lượng quý III của nhóm non-OPEC thêm 450.000 thùng/ngày. Điều này có thể bù đắp một phần các tổn thất từ phía Saudi Arabia, gây áp lực nhất định đối với giá dầu.
Tuy nhiên MXV nhận định, về trung và dài hạn, báo cáo vẫn cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trên đà thâm hụt nguồn cung mạnh hơn 2 triệu thùng/ngày trong quý này, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới.
Nguồn cung tích cực kéo giá cà phê hạ nhiệt
Trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 là điểm sáng khi tiếp tục khởi sắc, chốt ngày tăng 1,01% so với tham chiếu. Nguồn cung đường tiếp tục có khả năng thâm hụt sau báo cáo của Tổ chức Đường Thế giới (ISO) là nhân tố chính thúc đẩy giá mặt hàng này.
Cụ thể, theo ISO, trong niên vụ 23/24, sản lượng đường toàn cầu có thể chỉ đạt 174,84 triệu tấn, giảm so với mức 177,02 triệu tấn của niên vụ hiện tại. Trong khi đó, tiêu thụ đường toàn cầu trong niên vụ tới dự kiến tăng 0,3% so với niên vụ 22/23, lên mức 176,96 triệu tấn. Như vậy, ISO dự báo mức thâm hụt cán cân cung-cầu đường thế giới trong niên vụ tới là 2,12 triệu tấn.
Ở chiều ngược lại, hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu. Đóng cửa, giá Arabica giảm phiên thứ 3 liên tiếp về mức 3.525 USD/tấn. Các thông tin cơ bản cho thấy nguồn cung chuyển hướng tích cực, đã gây sức ép khiến giá quay về đà giảm. Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) công bố dữ liệu xuất khẩu cà phê tháng 07 tích cực, thúc đẩy xuất khẩu tại quốc gia này. Xuất khẩu cà phê Arabica chiếm phần lớn xuất khẩu của Brazil tăng 6,5% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 2,19 triệu bao.
Số liệu xuất khẩu cà phê tăng mạnh trong tháng 07 tại Brazil cũng gây sức ép khiến giá Robusta giảm 0,49% trong phiên hôm qua. Theo đó, xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil tăng 245,4% lên 505.153 bao, đánh dấu tháng xuất khẩu Robusta tốt nhất kể từ tháng 9/2020, Cecafe cho biết. Điều này góp phần làm dịu bớt những lo ngại về việc đảm bảo nguồn cung trong bối cảnh tình trạng cạn kiệt cà phê tại Việt Nam.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu cà phê tháng 07 vừa qua của nước ta đạt 108.872 tấn, giảm mạnh 22,6% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của cả nước giảm 3,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1.116.804 tấn.
Ghi nhận trong sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm nhẹ 100 đồng/kg, được thu mua quanh mức 66.900 – 67.700 đồng/kg.