Đà tăng mạnh của 6 trên 7 mặt hàng nông sản đã hỗ trợ chỉ số chung MXV- Index bất chấp lực bán áp đảo trên cả 3 thị trường còn lại là nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng. Đóng cửa, giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 5.300 tỷ đồng, cao hơn 17% so với mức trung bình ghi nhận trong tuần trước.
Đậu tương kết thúc chuỗi giảm giá bốn phiên liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/5, giá đậu tương đã tăng mạnh hơn 2,5%, chấm dứt chuỗi 4 phiên liên tiếp suy yếu. Triển vọng nhu cầu tích cực đối với đậu tương Mỹ của Trung Quốc là thông tin đã hỗ trợ giá.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã nhập khẩu 5,3 triệu tấn đậu tương từ Brazil, thấp hơn 16% so với mức 6,3 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Theo các thương nhân, Trung Quốc đã tận dụng vụ thu hoạch đậu tương kỷ lục tại Brazil và giá rẻ để đẩy mạnh mua hàng vào đầu năm. Tuy nhiên, việc thu hoạch của Brazil bị trì hoãn đã làm chậm các chuyến hàng, trong khi Trung Quốc tăng cường kiểm tra đậu tương nhập khẩu vào tháng trước khiến nhập khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu từ Brazil mới chỉ đạt 9,21 triệu tấn, thấp hơn 28% so với mức 12,7 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2022.
Nhập khẩu thấp hơn từ Brazil đang là cơ hội cho Mỹ đẩy mạnh bán hàng. Nhập khẩu đậu tương có nguồn gốc Mỹ của Trung Quốc trong tháng 04 tiếp tục tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 1,82 triệu tấn. Lũy kế xuất khẩu đậu tương từ Mỹ đến Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay đã đạt 18,24 triệu tấn, cao hơn so với mức 15 triệu tấn trong năm 2022. Điều này cho thấy triển vọng nhu cầu tích cực từ Trung Quốc đối với đậu tương Mỹ.
Triển vọng tiêu thụ mờ nhạt gây sức ép lên giá kim loại
Ở chiều ngược lại, trên thị trường kim loại cơ bản, giá hai mặt hàng kim loại chủ chốt là đồng và quặng sắt đều chịu sức ép do triển vọng tiêu thụ mờ nhạt tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Kết phiên, giá đồng COMEX giảm 1,26% xuống 3, USD/pound và giá sắt giảm 3,07% xuống 102,14 USD/tấn.
Hôm qua, các ngân hàng Trung Quốc đã thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong tháng thứ 9 liên tiếp. Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, động thái giữ nguyên lãi suất của các ngân hàng Trung Quốc cho thấy các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ vẫn còn hạn chế. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng chậm trong ngắn hạn và sức tiêu thụ các mặt hàng chưa có sự bứt phá.
Hơn nữa, triển vọng tiêu thụ kim loại công nghiệp trở nên kém sắc hơn do lo ngại hoạt động sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc có thể bị gián đoạn, khi căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nước. Trong động thái mới nhất, Bắc Kinh hôm Chủ nhật vừa qua đã cấm công ty Micron của Mỹ bán chip bộ nhớ cho các ngành công nghiệp quan trọng trong nước do lo ngại về an ninh.
Giá thép xây dựng nội địa giảm lần thứ sáu liên tiếp trong vòng hai tháng
MXV cho biết, đà phục hồi của giá sắt thép trên thế giới vẫn đang diễn tiến khá chậm, chủ yếu do nhu cầu còn nhiều hạn chế. Cùng chung xu hướng, giá thép trong nước cũng đã ghi nhận 6 lần điều chỉnh giảm liên tiếp chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Lần điều chỉnh mới nhất vào cuối tuần trước, ngày 19/05, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 60.000 – 210.000 đồng/tấn với sản phẩm thép vằn thanh D10 CB300, xuống khoảng 14,95 – 15,5 triệu đồng/tấn. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tổng nhu cầu sử dụng thép của Việt Nam mỗi năm ước đạt từ 29 - 31 triệu tấn sản phẩm các loại. Trong đó, nhu cầu đối với thép xây dựng là 10,5 - 11 triệu tấn/năm, ống thép là 2,3 - 2,5 triệu tấn/năm và tôn mạ là 4 - 5,5 triệu tấn/năm.
Ngành bất động sản vẫn đang gặp khó, trong khi khoảng 60 – 65% nhu cầu thép được sử dụng cho ngành. Điều này khiến năng lực tiêu thụ vẫn sẽ gây sức ép tới giá sắt thép trong nước. Mặc dù chi phí nguyên liệu chính như quặng sắt, than cốc,… vẫn đang có lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhưng thách thức tiếp tục xuất hiện khi mới đây, giá điện được điều chỉnh tăng 3%. Theo MXV, đây có thể sẽ là khó khăn mới cho một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện, đặc biệt là lĩnh vực nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, luyện kim (thép), hoá chất, … Chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất. Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán. Chi phí sản xuất tăng cao có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngành.