Đáng chú ý, chỉ số MXV-Index năng lượng ghi nhận mức giảm mạnh nhất, dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường. Giá dầu lao dốc ngay sau khi IEA hạ dự báo tăng trưởng và cho biết thị trường quay lại trạng thái thặng dư vào năm sau. Cùng chung diễn biến, sắc đỏ gần như phủ kín thị trường kim loại trong ngày hôm qua. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm 1,45% xuống mức 2.173 điểm.
Giá dầu thế giới lao dốc sau khi IEA hạ dự báo tăng trưởng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/10, giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh. Cụ thể, dầu thô WTI mất 4,4%, về mức 70,58 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent cũng sụt hơn 4%, xuống còn 74,25 USD/thùng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hạ dự báo tăng trưởng và nhận định thị trường sẽ quay lại trạng thái thặng dư trong năm tới, gây sức ép lớn lên giá dầu.
Trong báo cáo thị trường năng lượng tháng 10, IEA cho biết tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 chỉ đạt 862.000 thùng/ngày do tiêu thụ giảm tốc tại Trung Quốc. Con số này thấp hơn mức 903.000 thùng/ngày được ước tính hồi tháng 9. Cơ quan này hiện dự kiến nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 150.000 thùng/ngày vào năm 2024, giảm 30.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó. Tiêu thụ giảm 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với cùng tháng năm ngoái, và đây đã là tháng giảm thứ tư liên tiếp.
Trong khi đó, nguồn cung dầu từ các nhà sản xuất ngoài Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang tăng mạnh mẽ và dự kiến sẽ đạt 1,5 triệu thùng/ngày trong năm nay và năm tới với mức tăng đến từ hầu hết các quốc gia Mỹ, Brazil, Guyana và Canada. Với việc tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ trong bối cảnh nhu cầu giảm tốc, IEA cho biết thị trường đang quay trở lại thặng dư đáng kể trong năm 2025.
Mặc dù có những lo ngại gián đoạn nguồn cung đến từ khu vực Trung Đông, tuy nhiên cho đến hiện tại dòng chảy năng lượng vẫn được duy trì ổn định. Thêm vào đó, IEA khẳng định sẵn sàng hành động nếu xuất hiện cú sốc nguồn cung, tuyên bố này từ IEA đã gần như ngay lập tức đẩy giá dầu giảm mạnh sau đó.
Thêm vào đó, hoạt động xuất khẩu dầu của Nga đạt đỉnh 3 tháng khi các nhà máy lọc dầu nước này bước vào mùa bảo trì. Các lô hàng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển từ thành viên OPEC+ tăng lên mức trung bình 3,33 triệu thùng/ngày trong 4 tuần qua. Ngoài ra, Israel tuyên bố chỉ nhắm mục tiêu vào các cơ sở quân sự của Iran, làm giảm đáng kể rủi ro gián đoạn nguồn cung năng lượng từ quốc gia Trung Đông này.
Thị trường kim loại quý diễn biến giằng co
Theo MXV, kết phiên ngày hôm qua, trên bảng giá kim loại có tới 8 mặt hàng trong tổng số 10 mặt hàng giảm giá. Đối với kim loại quý, giá bạc phục hồi trở lại khi tăng 1,41% lên 31,75 USD/ounce. Ngược lại, giá bạch kim đảo chiều giảm sau ba phiên tăng liên tiếp. Chốt phiên, giá bạch kim giảm 0,75% so với tham chiếu về mức 996,6 USD/ounce, chủ yếu là do lực bán chốt lời của giới đầu tư.
Trong thời gian gần đây, giá kim loại quý liên tục biến động giằng co trước những ẩn số của bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới. Triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn còn chưa rõ ràng khi dữ liệu kinh tế hiện nay đang đưa ra những tín hiệu trái chiều. Trong khi đó, đồng USD đang dao động quanh mức cao nhất hai tháng, càng gây áp lực lên giá kim loại quý khi chi phí đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.
Tuy vậy, lo ngại căng thẳng địa chính trị gia tăng thúc đẩy nhu cầu trú ẩn bằng kim loại quý vẫn đang là yếu tố hỗ trợ tốt cho giá. Hơn nữa, trong phiên hôm qua, giá bạc còn được hỗ trợ sau khi cuộc khảo sát tại Hội nghị LBMA ở Miami đã chỉ ra giá bạc dự kiến sẽ tăng lên mức 45 USD/ounce trong một năm tới, tăng từ khoảng 31 - 32 USD/ounce hiện tại.
Đối với kim loại cơ bản, hầu hết mặt hàng trong nhóm đều ghi nhận mức giảm khoảng 1%. Giá các mặt hàng tiếp tục lao dốc do giới đầu tư thất vọng khi Chính phủ Trung Quốc không công bố biện pháp kích thích kinh tế cụ thể nào trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (15/10).
Riêng đối với quặng sắt, nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất thép, giá mặt hàng này còn gặp sức ép do triển vọng kém lạc quan hơn của ngành thép. Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu thép toàn cầu xuống 0,9% trong năm nay, đạt mức 1,75 tỷ tấn, chậm lại so với ước tính hồi tháng 4 là tăng 1,7%, do nhu cầu tiêu thụ còn yếu trong khi hoạt động sản xuất toàn cầu phải vật lộn với nhiều thách thức. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp nhu cầu thép toàn cầu tăng trưởng chậm lại.
Tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, tiêu thụ thép tại nước này dự kiến sẽ giảm 3% trong năm nay và giảm thêm 1% vào năm tới, do lĩnh vực bất động sản chìm trong khủng hoảng làm suy giảm nhu cầu thép.