Nhiều mặt hàng tăng từ 5 – 30%; siêu thị khuyến mại kích cầu
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 20/3, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết: “Hiện mặt bằng giá của nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau quả, thuốc chữa bệnh… tăng từ 5 - 30%, ảnh hưởng tới túi tiền của người dân. Lương của người lao động vốn đã thấp, nay càng chật vật”.
Sau 7 lần liên tục tăng kể từ cuối tháng 12/2021, giá xăng, dầu trong nước hiện ở mức cao kỷ lục trong lịch sử. Xăng RON 95 tiến sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. Đây chính là cú "đánh bồi" khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ tăng giá.
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin tức trong tháng 3/2022, giá xăng, gas, ầu ăn, gạo, đường, nước mắm, mì tôm đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đường cát trắng dao động 30.000 đồng/kg, tăng 12.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái; giá nước mắm trung bình 32.000 đồng/chai, tăng 7.000 đồng/chai; mì tôm tăng 1.000 đồng/gói; dầu ăn tăng 23% với giá trung bình 45.500 đồng/lít; gạo tăng 6,7% với 16.000 đồng/kg...
“Trong 3 ngày nay, giá các loại quả đều tăng từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Trước đây, giá xoài cát là 50.000 đồng/kg, hiện nay 60.000 đồng/kg; giá cam xanh 70.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với trước; xoài Thái, cam bóc bỏ, quýt đều tăng giá thêm 10.000 đồng/kg...”, chị Nguyễn Thị Ngọ, ngõ Yên Ninh, phố Hàng Bún, Hà Nội chia sẻ. Theo chị Ngọ, giá tăng, nên lượng khách mua sụt giảm. Nếu như trước, khách mua trung bình từ 5 - 7 kg thì nay là 2 - 3 kg.
Tương tự, chủ cửa hàng bán dừa xiêm phố Trần Hưng Đạo than thở: “Tôi phải tăng giá thêm vài nghìn đồng/quả, vì chi phí vận chuyển hàng từ trong Nam ra Bắc đều tăng. Nếu như trước, giá dừa xiêm loại ngon là 25.000 đồng/quả, thì nay là 30.000 đồng/quả... Giá tăng, nên người mua thắt chặt chi tiêu hơn, chỉ mua vài quả, thay vì chọn cả chục quả mỗi lần”.
Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, chủ cửa hàng Tạp hóa số 2 phố Cao Đạt, các mặt hàng thiết yếu đều tăng 20%, thậm chí 30%: “Nếu như trước, giá nhập thùng dầu ăn là 720.000 đồng, hiện tăng lên 920.000 đồng/thùng (tương đương 20 lít); dầu ăn Simply loại nhỏ trước là 47.000 đồng/chai thì nay là 60.000 đồng/chai".
Còn chủ cửa hàng tạp hóa ở Minh Khai cho hay, từ đầu năm đến nay, mối buôn liên tục báo tăng giá. Giá mì tôm Omachi hiện 200.000 đồng/thùng, tăng 20.000 đồng so với đầu năm 2022; dầu ăn đậu nành từ 600.000 lên 630.000 đồng/thùng 6 chai 2 lít; các loại bia cũng tăng khoảng 10% so với đầu năm.
“Giá nhập tăng buộc các cửa hàng phải điều chỉnh giá bán, nếu không sẽ không có lãi. Giá tăng khiến sức mua chậm, do người dân cắt giảm chi tiêu”, bà Lê Thị Mai, tiểu thương bán hàng trên phố Bùi Ngọc Dương chia sẻ.
Do tiết trời ấm áp, giá nhiều mặt hàng rau xanh ổn định. Tuy nhiên, giá cà chua lại khá đắt đỏ. Một tiểu thương tại chợ Phùng Khoang (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Giá cà chua hiện dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, đắt gấp đôi so với trước. Nguyên do nhiều vùng trồng ở miền Tây và thủ phủ Đà Lạt chuyển đổi cây trồng, giảm diện tích trồng cà chua, nên lượng hàng bán ra thị trưởng giảm mạnh.
Đối với lĩnh vực dịch vụ ăn uống, nhiều tiểu thương cũng "méo mặt" vì giá đầu vào biến động trong khi giá bán không dám tăng vì sợ mất khách. Hơn 2 năm nay, chủ cửa hàng bún ốc Tình quê phố Cao Đạt phải bỏ “vốn tích lũy ra tiêu dần”.
"Nếu như trước đây, giá thịt bò nhập về là 200.000 – 220.000 đồng/kg giờ là 250.000 đồng/kg; dầu ăn 165.000/chai to hiện phải mua hơn 200.000 đồng; giá đường là hơn 20.000 đồng/túi, tăng 4.000 đồng so với trước. Đặc biệt giá gas tăng 200.000 đồng/bình so với trước. Để giữ khách, cửa hàng không tăng giá bán nhưng lượng hàng bán ra chậm. Nếu như trước kia không có dịch COVID-10, cửa hàng bán được 50 kg bún mỗi ngày thì nay sụt giảm 50% so với trước”, chủ cửa hàng bún ốc Tình quê cho biết.
Theo chị Nguyễn Lê Phương, ngõ 32 phố An Dương, quận Tây Hồ, từ tiền đổ xăng, đi chợ hàng ngày, đến các dịch vụ khác đều tăng giá. "Bình thường, tôi đi đổ xăng, 100.000 đồng/bình để đi trong tuần, giờ phải mất 130.000 đồng. Đi chợ thì các loại rau xanh, thịt lợn, bò, tôm, cá, dầu ăn, đường, mắm... đều tăng. Chỉ tính riêng các chi phí cơ bản, mỗi tuần tôi phải chi thêm khoảng 450.000 - 500.000 đồng, trong khi thu nhập giảm, nên phải siết chặt chi tiêu", chị Lê Phương chia sẻ.
Mặc dù giá nhiều mặt hàng thiết yếu tại chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa tăng, nhưng tại một số siêu thị ở Hà Nội đang giảm giá sâu nhiều mặt hàng để tăng sức mua. Tại Vinmart phố Bạch Mai, giá dầu ăn loại to giảm từ 130.000 đồng/chai xuống còn 110.000 đồng/chai; dần ău Simply giảm còn 56.500/chai. Đặc biệt mặt hàng gạo ST 25 giảm giá tới 48%, hiện 104.000 đồng/túi 3 kg. Các loại gạo khác như: Tám Gò Công giảm 14%, còn 100.700 đồng/túi 3 kg; Bảo Minh gạo ST 25 thơm hạng 3 kg, giảm 10% còn 108.000 đồng/túi
Các mặt hàng sữa tươi loại 1 lít đều giảm mạnh như: Dutch Lady giảm từ 33.700 đồng/hộp xuống còn 29.100 đồng; Vinamilk không đường từ 32.900 đồng/lít, xuống còn 27.800 đồng/lít. Giá cam sành loại nhỏ giảm 14%; quả thanh long giảm 46%; các loại rau xanh giảm sâu từ 22.000 đồng/bó xuống còn 7.000 đến 10.000 đồng/bó....
Cần đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết: Hiện giá thịt lợn hơi giảm gần 30% số với tháng 7/2021, nhưng giá thịt lợn bán lẻ tại nhiều siêu thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì cao trên 200.000 đồng/kg, thậm chí từ 255.000 - 300.000 đồng/kg. “Theo tính toán, với giá lợn hơi trên 50.000 đồng/kg, thì giá bán lẻ cao nhất loại ngon chỉ 150.000 - 170.000 đồng/kg là có lãi. Giá thịt lợn cao ảnh hưởng lớn chi tiêu sinh hoạt đến nhiều người dân”, ông Vũ Vinh Phú cho biết.
Lý giải về giá thịt lợn tại siêu thị và chợ dân sinh vẫn chênh nhau khá lớn, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: Giá đầu vào có giảm, nhưng tiểu thương vẫn cố “níu kéo” mức giá cao đã được xây dựng trước đó. Hiện sườn non tại siêu thị lên đến 255.000 đồng/kg là quá cao, khuyến mãi giảm 15 - 20% cũng không thấm vào đâu. Thực tế, không có quy định nào buộc nhà bán lẻ phải giảm giá thịt từ 255.000 đồng/kg xuống 150.000 đồng/kg nhưng chúng ta có một số công cụ quản lý về giá, về thị trường để có thể làm việc với nhà cung cấp, đưa giá về đúng giá trị thực.
Mặc dù xăng dầu tăng giá gây áp lực lên các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng giá hàng hóa không thể điều chỉnh tức thì như giá xăng dầu, mà phải có độ trễ nhất định, do hầu hết đều đã có những ràng buộc hợp đồng với nhà cung cấp. Dự kiến đầu quý II/2022, nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá hoặc đứng ở mức cao, các siêu thị sẽ nhận được yêu cầu tăng giá của nhà cung cấp và buộc phải tăng giá từ 5 - 7%. Để giữ khách hàng, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập sụt giảm, doanh nghiệp nên linh động giảm bớt lãi và khâu trung gian, qua đó giữ giá bán sản phẩm.
“Các ngành chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp bình ổn giá, bảo đảm kiểm soát thị trường, trong đó, cần tổ chức những điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là tại khu công nghiệp, khu dân cư đông người. Ngoài ra, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần cân đối giảm thuế, phí để kéo giá xăng dầu xuống, với những biện pháp như vậy thì may ra mới bình ổn thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng hóa tăng giá. Nên chăng sớm có sàn giao dịch thịt lợn tại chợ đầu mối để người tiêu dùng không bị mua thịt giá quá cao, nhà sản xuất chăn nuôi không phải bán giá quá thấp và khoản chênh lệch về giá quá lớn đang rơi vào túi khâu trung gian phân phối.”, ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.
Trước diễn biến giá xăng dầu tăng cao, đại diện Bộ Tài chính cho rằng: Việc kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng chịu tác động từ giá xăng dầu là rất cần thiết, để kịp thời xử lý tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý. Diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục gia tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm được cho là rất khó khăn, không thể chủ quan.
Xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ. Các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Sở GTVT các tỉnh, thành phố rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá; đồng thời, tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết.
Đại diện Bộ Tài chính dự báo: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 có thể tiếp tục ở mức cao do chịu tác động chủ yếu từ giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, dự báo CPI bình quân 3 tháng đầu năm sẽ ở mức từ 2 - 2,1% và vẫn nằm trong kịch bản lạm phát đã được báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá (dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,42 - 4,3%).