Diễn biến căng thẳng mới tại khu vực Trung Đông và Đông Âu tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung và triển vọng nhu cầu tích cực là những yếu tố chính thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu. Trong khi đó, nhiều mặt hàng nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp đảo chiều giảm giá mạnh trong phiên tối sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 1. Chỉ số MXV-Index rơi nhẹ 0,13% xuống 2.130 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở ở mức hơn 2.800 tỷ đồng. Trong đó, riêng nhóm năng lượng chiếm tới 36% tổng giá trị giao dịch.
Giá kim loại đồng loạt đảo chiều sau dữ liệu lạm phát Mỹ
Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày 13/2, các mặt hàng nhóm kim loại đồng loạt đảo chiều giảm mạnh trong phiên tối sau dữ liệu lạm phát Mỹ. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc giảm 2,69% xuống 22,15 USD/ounce. Bạch kim giảm 2,03% xuống 878,9 USD/ounce.
Cả bạc và bạch kim đều tăng giá mạnh mẽ trong phiên mở cửa buổi sáng ngày 13/2, khi vai trò trú ẩn được phát huy trước những căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba (13/2) đã cảnh báo cuộc tấn công trên bộ của Israel vào Rafah ở dải Gaza và cho biết điều này có thể dẫn đến một cuộc tàn sát. Tuy nhiên, mức tăng đầu ngày đã bị xoá sạch ngay sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát tháng 1 trong phiên tối.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 của Mỹ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Chỉ số CPI lõi, loại bỏ biến động giá của các mặt hàng năng lượng và thực phẩm, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 1/2024, cao hơn so với mức dự báo 3,7%. Trên cơ sở hàng tháng, chỉ số CPI tháng 1/2024 của Mỹ tăng 0,3%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và mức 0,2% của tháng 12/2023. Lạm phát có dấu hiệu quay trở lại nền kinh tế Mỹ có thể sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải giữ lãi suất cao lâu hơn thị trường mong đợi.
Ngay lập tức, đồng USD tăng vọt, thể hiện qua chỉ số Dollar Index tăng 0,7% lên mức cao nhất trong 3 tháng qua. Giá bạc và bạch kim vốn nhạy cảm nhất với biến động tiền tệ đã gặp áp lực bán mạnh, nhanh chóng đảo chiều giảm do chi phí nắm giữ vật chất đắt đỏ hơn, kém hấp dẫn hơn so với việc nắm giữ đồng bạc xanh.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX cũng chịu tác động tương tự nhóm kim loại quý khi đảo chiều giảm ngay sau dữ liệu lạm phát Mỹ. Chốt phiên, giá giảm 0,35% xuống 3,71 USD/pound. Bên cạnh yếu tố vĩ mô, áp lực còn xuất hiện do kỳ vọng về nguồn cung đồng sẽ được thúc đẩy trong tương lai. Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết họ đang triển khai một chương trình nhằm đảm bảo nguồn cung khoáng sản quan trọng đối với an ninh năng lượng, như như lithium, coban, đồng... do nhu cầu tăng nhanh trong khi hoạt động sản xuất vẫn nằm trong tay một số nhà sản xuất chủ chốt.
Trái lại, giá quặng sắt tăng 0,35% trong bối cảnh gián đoạn nguồn cung cục bộ khi Rio Tinto, công ty khai thác quặng sắt lớn nhất thế giới, do một đoàn tàu tự lái đã trật bánh tại nhà máy khai thác quặng sắt RIO.L, RIO.AX ở miền Tây Australia.
Lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, giá dầu duy trì đà tăng sang phiên thứ 7 liên tiếp, lên mức cao nhất trong hai tuần. Căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và Trung Đông vẫn đang tiếp diễn, tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung tại hai khu vực xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Ngoài ra, triển vọng nhu cầu tích cực từ phía Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.
Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,24% lên 77,87 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,94% lên 82,77 USD/thùng.
Hãng tin Reuters cho biết Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Trong khi đó tại Trung Đông, các cuộc đàm phán liên quan đến Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đã kết thúc mà không có gì mới. Điều này cho thấy tính chất phức tạp của các cuộc xung đột và làm dấy lên mối lo ngại về cuộc chiến không hồi kết giữa các bên. Bất ổn địa chính trị còn tiếp diễn, tiềm ẩn rủi ro gián đoạn nguồn cung, vẫn đang là chất xúc tác chính hỗ trợ giá dầu.
Trong khi đó, trong báo cáo thị trường dầu thô tháng 2, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng tương đối mạnh về nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2024 và 2025, ở mức lần lượt là 2,25 triệu thùng/ngày và 1,85 triệu thùng/ngày. Đáng chú ý, trong báo cáo lần này, OPEC tiếp tục đánh giá lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Mỹ, khi tổ chức này nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm nay lên 1,6%, từ mức 1%. Tiêu thụ dầu tại Mỹ năm 2024 và 2025 dự kiến đạt trung bình 20,48 triệu thùng/ngày và 20,52 triệu thùng/ngày, tăng so với mức 20,41 triệu thùng/ngày và 20,45 triệu thùng/ngày theo ước tính trước.
Hơn nữa, Morgan Stanley cũng đang có có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường dầu mỏ năm 2024. Với kỳ vọng thị trường dầu sẽ cân bằng trong năm nay, thay vì thặng dư như dự báo trước đó, tổ chức này đã nâng dự báo dầu Brent năm 2024 lên 80 - 85 USD/thùng, từ mức 75 - 80 USD/thùng.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ giá, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đã giảm trở lại sau khi ghi nhận mức cao nhất trong 7 tháng. Cụ thể, lưu lượng xuất khẩu hàng tuần của nước này đã giảm khoảng 290.000 thùng/ngày xuống 3,49 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 11/2.
Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 9/2 tăng mạnh 8,52 triệu thùng, so với kỳ vọng tăng 2,6 triệu thùng của giới phân tích. Tuy nhiên, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất lại ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 7,23 triệu thùng và 4,02 triệu thùng, điều này có thể khiến giá dầu giằng co.