Theo thông tin từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, giá lúa tươi IR50404 vụ Hè Thu sớm đang được thu mua tại ruộng với mức giá dao động từ 5.200 - 5.400 đồng/kg, tùy từng khu vực, giảm đến 400 - 500 đồng/kg so với thời điểm lập “đỉnh” cách đây 1 tháng. Giá gạo nguyên liệu IR50404 theo đó cũng giảm theo tương ứng, hiện được bán ở mức 8.300 đồng/kg; gạo thành phẩm IR50404 là 9.800 đồng/kg.
Giá lúa thu hoạch sớm vụ Hè Thu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện đã giảm. Ảnh: Tường Vũ/TTXVN |
Một số loại lúa khác thu hoạch trong vụ Hè Thu cũng sụt giảm nhẹ so với trước đó. Cụ thể, lúa OM 6976 ở ĐBSCL hiện có giá 5.400 - 5.500 đồng/kg; lúa OM4900 có giá 5.500 - 5.600 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 vẫn còn ở mức cao, khoảng 5.700 - 5.800 đồng/kg.
Theo lý giải của các doanh nghiệp, việc giá lúa sụt giảm so với trước đó chủ yếu là do chất lượng lúa Hè Thu sớm thường thấp hơn so với vụ Đông Xuân. Đồng thời, việc đấu thầu không thành công tại Philippines 250.000 tấn gạo ngày 22/5 vừa qua cũng khiến thị trường lúa gạo trong nước chững lại.
Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, các thị trường nhập khẩu gạo lớn là Trung Quốc, Indonesia, Philippines sẽ tiếp tục tăng nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần chủ động nguyên liệu đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.
Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy, nhu cầu nhập khẩu các loại gạo trắng, gạo tấm, gạo thơm của các nước châu Phi (Bờ biển Ngà, Senegal, Nigeria) sẽ tăng. Philippines có thể phải nhập tới 1,1 triệu tấn gạo trong năm nay và là một trong những nước mua gạo lớn nhất năm 2018.
Mới đây, Philippines thông báo về việc mở hạn ngạch cho phép khối tư nhân nhập khẩu gạo theo cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu (MAV) 805.200 tấn gạo trong năm 2018. Cụ thể, sẽ nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam mỗi nước 293.100 tấn gạo; 50.000 tấn cho mỗi nước Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc; 15.000 tấn cho Australia; 4.000 tấn cho Ecuador và 50.000 tấn nhập khẩu mà có thể chọn bất kỳ nguồn cung nào. Có hai giai đoạn giao hàng với giai đoạn đầu từ tháng 7 đến 31/8/2018 và giai đoạn 2 từ ngày 20/12/2018 đến 28/02/2019. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu trong những tháng đầu quý III/2018, giúp thị trường lúa gạo trong nước tiếp tục ổn định trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nguồn tin từ các doanh nghiệp cho biết, do tồn kho lúa gạo của các doanh nghiệp còn rất hạn chế nên việc xuất khẩu cần phải cân đối lại để đảm bảo hiệu quả. Hiện nay, dù giá lúa gạo trong nước có xu hướng giảm nhiệt, tuy nhiên đây vẫn là mức giá cao, có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp khi xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 5/2018, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp đạt 621.000 tấn, trị giá FOB 309 triệu USD. Tính chung trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 2,5 triệu tấn, trị giá FOB 1,23 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu gạo đã tăng hơn 19,3% về lượng và tăng gần 33% về trị giá FOB.
Tính đến đầu tháng 6/2018, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 50.000 ha diện tích lúa Hè Thu sớm, trong tổng số 1,27 triệu ha diện tích lúa đã gieo trồng. Năng suất bình quân của vụ thu hoạch này giảm đến gần 1 tấn/ha so với vụ Đông Xuân trước đó, đạt 5,9 tấn/ha.