Giá nông sản, năng lượng giảm mạnh vẫn thu hút dòng tiền đầu tư trong nước

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tiếp tục cho thấy sự suy yếu trong ngày giao dịch hôm qua (02/05) thể hiện qua mức giảm 1,6% của chỉ số MXV- Index, xuống 2.201 điểm, thấp nhất kể từ cuối tháng 09/2021. Nhìn chung xu hướng giá giảm đang bao trùm toàn thị trường, trong 7 phiên giao dịch gần nhất, chỉ số MXV- Index chỉ có duy nhất 1 phiên tăng giá.

Chú thích ảnh

Đáng chú ý, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ. Đóng cửa, giá trị giao dịch toàn Sở tăng vọt 34,4% lên 4.6 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng tập trung chủ yếu ở 2 nhóm nông sản và năng lượng, chiếm hơn 71% tổng dòng tiền của toàn thị trường. Đây cũng là 2 nhóm mặt hàng ghi nhận những biến động mạnh mẽ nhất trong ngày hôm qua.

Giá dầu lao dốc hơn 5% xuống mức thấp nhất trong 5 tuần

Giá dầu ghi nhận biến động rất mạnh với mức giảm hơn 5% đối với cả 2 mặt hàng dầu WTI và Brent trong phiên giao dịch ngày 02/05. Rủi ro suy thoái gia tăng tại Mỹ trước hàng loạt các vấn đề về trần nợ, niềm tin đối với hệ thống ngân hàng và dữ liệu kinh tế kém tích cực đã thúc đẩy lực bán mạnh.  

Cụ thể, giá dầu WTI giảm 5,29% xuống 71,66 USD/thùng, dầu Brent giảm 5,03% xuống 75,32 USD/thùng. Đây đều là mức giảm trong ngày lớn nhất trong 4 tháng qua, đưa giá về vùng thấp nhất trong vòng 5 tuần.   

Chú thích ảnh

Giằng co trong nửa đầu phiên, giá dầu chính thức phá vỡ hỗ trợ vùng 75 USD/thùng trong phiên tối và liên tục lao dốc ngay sau đó.  

Tổng thống Joe Biden sẽ không đàm phán về trần nợ trong cuộc gặp với 4 nhà lãnh đạo hàng đầu của quốc hội vào ngày 9/5, nhưng sẽ thảo luận về việc bắt đầu "một quy trình ngân sách riêng" về các ưu tiên trong chi tiêu. Trước đó, Bộ trưởng Bộ tài chính Mỹ, bà Yellen cho biết rằng cơ quan sẽ khó có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ Mỹ, sớm nhất có thể là ngày 01/06.  

Điều này đang làm gia tăng rủi ro vỡ nợ chưa từng có, khiến các nhà đầu tư rút khỏi các thị trường rủi ro, và thúc đẩy lực bán trên thị trường dầu thô. 

Cổ phiếu ngân hàng khu vực bị bán tháo trên diện rộng, sau sự sụp đổ tiếp theo của Ngân hàng First Republic, đã được mua lại bởi Ngân hàng JP Morgan. 

Thêm vào bức tranh vĩ mô tiêu cực, số cơ hội việc làm của Mỹ theo khảo sát JOLTS đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 3. Tỷ lệ sa thải tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm, cho thấy thị trường lao động dần suy yếu và nguy cơ suy thoái rình rập. 

Về yếu tố cung cầu, sản lượng dầu của Iran hiện tại đã vượt mốc 3 triệu thùng/ngày, Bộ trưởng dầu mỏ của nước này cho biết. Iran vốn chịu lệnh trừng phạt của Mỹ từ năm 2018, đã bơm trung bình 2,4 triệu thùng/ngày vào năm 2021.  

Sản lượng dầu thô của Iran chỉ đạt 2,567 triệu thùng/ngày trong tháng 3, theo báo cáo của OPEC. Mức tăng đáng kể làm suy yếu tác động cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ và gây áp lực đối với giá dầu. 

Mặt khác, dòng chảy dầu thô từ Nga không có dấu hiệu của sự suy giảm bất chấp tuyên bố giảm sản lượng.  Xuất khẩu của Nga đã tăng trở lại trên 4 triệu thùng/ngày trong tuần tính đến ngày 28/04, mức cao thứ 2 kể từ sau giai đoạn căng thẳng tại khu vực Biển Đen.  

Hoạt động lọc dầu ở Nga cũng không giảm nhiều. Số liệu cho thấy tốc độ xử lý hầu như không thay đổi từ đầu năm đến nay. Trong 19 ngày đầu tháng 4, số lượng thậm chí cao hơn 720.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. 

Ngân hàng Morgan Stanley mới đây đã cắt giảm dự báo giá dầu thô Brent trong quý III thêm 12,50 USD xuống còn 77,50 USD/thùng. 

Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm tuần thứ 3 liên tiếp, với mức giảm 3,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/04. MXV nhận định, điều này có thể sẽ tạm thời hỗ trợ cho giá dầu, nhưng xu hướng giảm nhìn chung vẫn đang áp đảo.  

Thông tin nguồn cung gây sức ép lên nhóm đậu tương

Mặc dù khởi sắc mạnh mẽ ngay sau khi mở cửa phiên 02/05, giá đậu tương hợp đồng tháng 07 đã nhanh chóng suy yếu trong phiên tối và xóa đi hoàn toàn mức tăng từ đầu phiên. Giá đậu tương khép lại phiên hôm qua với mức giảm lên tới 1,17%, kết thúc chuỗi 2 phiên hồi phục liên tiếp trước đó. Những thông tin về nguồn cung từ Brazil đã gây sức ép lớn lên giá.

Chú thích ảnh

Dữ liệu chính thức từ chính phủ Brazil cho thấy, nước này đã xuất khẩu tới 14,34 triệu tấn đậu tương trong tháng vừa rồi, cao hơn so với mức 13,27 triệu tấn của tháng 03, đồng thời cũng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu đậu tương 4 tháng đầu năm nay của Brazil đạt 33,47 triệu tấn, vượt qua mức 32,37 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường dự đoán rằng xuất khẩu đậu tương của Brazil sẽ giảm tốc trong tháng 04, do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc suy yếu. Do đó, dữ liệu thương mại từ chính phủ Brazil đã gây áp lực mạnh lên giá đậu tương trong phiên hôm qua.

Bên cạnh đó, công ty tư vấn StoneX dự báo Brazil sẽ xuất khẩu tổng cộng 96 triệu tấn đậu tương trong năm 2023, so với mức 78,7 triệu tấn được ghi nhận trong năm ngoái. StoneX cũng đưa ra một số cảnh báo về sự tắc nghẽn về hậu cần đối với hoạt động xuất khẩu nông sản của Brazil trong thời gian tới, khi mà việc xuất khẩu đường cũng được đẩy mạnh. Nhìn chung, triển vọng xuất khẩu tích cực của Brazil đã góp phần gây sức ép lên giá đậu tương.

Giá khô đậu tương cũng ghi nhận mức giảm hơn 1% sau khi kết thúc phiên hôm qua, theo sau đà giảm của giá đậu tương, bất chấp việc giá khởi sắc trong đầu phiên. Mặt hàng này chịu sức ép từ việc tồn kho khô đậu cuối tháng 03 của Mỹ giảm về mức thấp hơn so với tháng 02 chỉ được duy trì trong đầu phiên và đã nhanh chóng bị áp đảo trong phiên tối trước lực bán kỹ thuật của thị trường. 
 
Nhập khẩu khô đậu tương giảm mạnh trong tháng 3

Thống kê từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong tháng 03 vừa qua, nước ta đã nhập khẩu 196,7 nghìn tấn đậu tương, tương đương kim ngạch 133,2 triệu USD. So với tháng 02, nhập khẩu đậu tương đã giảm mạnh 15,6% về lượng và 20,3% về giá trị. 

MXV cho biết, nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ việc nhu cầu tiêu thụ nhìn chung vẫn yếu trong khi đó, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước kỳ vọng giá có thể tiếp tục giảm sâu hơn, do đó vẫn đang có tâm lý hạn chế mua hàng. 

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85-90% giá thành. Nhằm hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước, Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô giảm từ 5% xuống 2% từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên trong khi đây là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất và là nguyên liệu chính để sản xuất cám cho lợn và thủy sản. Vì vậy, việc giữ nguyên mức thuế này gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
4 tháng đầu năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài
4 tháng đầu năm 2023, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài

4 tháng đầu năm 2023, Hà Nội thu hút khoảng 1,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, đứng đầu cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN