Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.206,29 USD/ounce, không quá xa so với mức thấp nhất của một năm là 1.204 USD/ounce ghi nhận hồi tuần trước. Kim loại quý này cũng đang hướng tới tuần mất giá thứ 5 liên tiếp.
Giá vàng giao kỳ hạn phiên này cũng giảm 0,5% xuống 1.213,4 USD/ounce.
Giá vàng thường được hỗ trợ trong bối cảnh có những bất ổn về chính trị. Song thời gian gần đây, kim loại quý này đã không thể tận dụng được tình hình leo thang căng thẳng địa chính trị để tạo đà đi lên, do giới đầu tư hầu hết đều quay sang tìm kiếm sự an toàn với đồng USD.
Đồng USD trong phiên ngày 10/8 tiếp tục kéo dài đà tăng và đạt mức cao nhất trong vòng 13 tháng so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, với các đồng tiền tại châu Âu như bảng Anh và euro tiếp tục tỏ ra thiếu sức hút với các nhà đầu tư.
Trong khi đó, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ áp đặt lên Nga đã khiến đồng nội tệ ruble của nước này rơi xuống mức thấp của hai năm. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng lao dốc sau những căng thẳng ngoại giao giữa nước này với Mỹ.
Một yếu tố khác cũng ngăn chặn đà tăng của giá vàng là việc các thị trường đều đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng tới, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ ba trong năm nay của ngân hàng trung ương này. Bên cạnh đó, FED cũng phát đi những tín hiệu cho thấy sẽ còn những đợt tăng lãi suất nữa trong tương lai khi tình hình “sức khỏe” của kinh tế Mỹ tỏ ra khá ổn định.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên nhưng lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,6% xuống 15,32 USD/ounce. Giá bạch kim cũng để mất 0,4% xuống 827,2 USD/ounce.