Tại Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 1.313,81 USD/ounce vào lúc 14 giờ 44 phút theo giờ Việt Nam, sau khi chạm mức 1.312,26 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 9/2.
Chỉ số USD, đánh giá giá trị của đồng tiền này so với rổ các đồng tiền manh, ổn định ở mức 90,617, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 19/1 là 90,744.
Theo một nhà giao dịch tại Hong Kong, đồng USD mạnh tiếp tục gây sức ép lên vàng nhưng giá kim loại này vẫn nhận được sự hỗ trợ từ việc các thị trường chứng khoán yếu đi.
Đồng bạc xanh lên giá là nhờ phát biểu của ông Powell về kinh tế Mỹ, đưa đến khả năng lãi suất sẽ được tăng bốn lần trong năm nay, thay vì ba lần như dự kiến của Fed. Lãi suất tăng có xu hướng đẩy giá USD và lãi suất trái phiếu tăng, khiến vàng được định giá bằng đồng tiền này đắt hơn với những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Thị trường vàng đang chờ phiên điều trần thứ hai của Chủ tịch Fed. Theo người phụ trách giao dịch tại châu Á-Thái Bình Dương của OANDA, Stephen Innes, có thể ông Powell giảm nhẹ phát biểu ủng hộ việc tăng lãi suất, nhưng nếu ông giữ nguyên quan điểm, luôn có khả năng lãi suất tăng và việc đồng USD lên giá sẽ khiến vàng giảm giá.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý IV/2017 chậm hơn so với ước tính ban đầu, khi chi tiêu tiêu dùng mạnh nhất trong ba năm đã làm giảm lượng hàng hóa dự trữ, khi các doanh nghiệp không cung cấp đủ hàng hóa và dịch vụ.
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán châu Á phiên 28/2 đi xuống sau khi phát biểu của Chủ tịch Fed lại gây lo ngại về tốc độ tăng lãi suất trong năm nay, trong khi lãi suất tăng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và cản trở tăng trưởng kinh tế.
Theo nhà phân tích kỹ thuật của Reuters, Wang Tao, giá vàng giao ngay sẽ tiếp tục giảm xuống mức 1.303 USD/ounce, sau khi phá ngưỡng hỗ trợ 1.317 USD/ounce.