Giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.779,50 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,2%, lên 1.780,20 USD/ounce.
Các tín hiệu trái chiều từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lộ trình lãi suất đã khiến giá vàng giảm 6% trong tuần trước, sau đó phục hồi trong tuần này 0,9%.
Hareesh V., người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Geojit Financial Services, cho biết giá vàng đang bị “kẹt” trong biên độ giao dịch hẹp. Theo ông, lo ngại lạm phát gia tăng khiến giá vàng không thể giảm mạnh từ thời điểm này.
Vàng được coi là hàng rào chống lạm phát, điều có thể xảy ra sau khi các nước đưa ra các gói kích thích kinh tế. Ông Hareesh nói thêm, trong trung hạn, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi sẽ củng cố sức mạnh của đồng USD, giúp giảm bớt sức hút của vàng là “nơi trú ẩn an toàn”.
Chỉ số đồng USD đang hướng tới tuần giảm sau khi tăng gần 2% vào tuần trước do tín hiệu tăng lãi suất của Fed. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, hồi đầu tuần cho biết lạm phát sẽ không phải là yếu tố quyết định duy nhất đối với chính sách lãi suất của ngân hàng này. Điều đó đã xoa dịu lo ngại của các nhà đầu tư.
Theo nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, vàng giao ngay có thể phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.769 USD/ounce và trượt xuống khoảng 1.734- 1.744 USD/ounce.
Cũng trong phiên này, giá palladium tăng 0,6%, lên 2.655,72 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạch kim tiến 0,7%, lên 1.099,98 USD/ounce. Cả hai kim loại quý này đều đang hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 3/2021. Còn giá bạc trong phiên này tăng 0,8%, lên 26,14 USD/ ounce.
Tại thị trường Việt Nam, lúc 16 giờ 30 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,35 - 56,97 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm phiên chiều 25/6
Các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 25/6 theo đà tăng toàn cầu trong tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo đã đạt thỏa thuận với một nhóm nghị sỹ lưỡng đảng về kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Chốt phiên 25/6, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,7% lên 29.066,18 điểm, chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,4% lên 28.287,37 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1,2% lên 3.607,56 điểm.
Các nhà đầu tư châu Á đã hoan nghênh thỏa thuận này, qua đó đẩy các thị trường đi lên. Thị trường Sydney, Seoul, Singapore, Mumbai, Đài Bắc, Manila, Jakarta, Bangkok và Wellington cũng tăng điểm.
Chuyên gia Jeff Buchbinder thuộc trung tâm LPL Financial cho biết, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng củng cố triển vọng tăng trưởng kinh tế vốn đã rất mạnh mẽ. Những khoản đầu tư đó sẽ làm tăng triển vọng lợi nhuận của công ty và sẽ giữ cho thị trường tiếp tục phát triển mạnh sau năm 2021.
Tại Việt Nam, đóng cửa phiên 25/6, VN-Index tăng 10,4 điểm (0,75%) lên 1.390,12 điểm, HNX-Index tăng 1% lên 318,22 điểm.
Giá dầu châu Á chiều 25/6 kéo dài đà tăng phiên thứ ba liên tiếp
Giá dầu châu Á tăng phiên thứ ba liên tiếp trong chiều 25/6, và hướng tới đà tăng tuần thứ năm khi cầu dự kiến sẽ vượt cung do các nhà sản xuất Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ thận trọng trong việc tăng sản lượng từ tháng Tám.
Phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 6 xu Mỹ (tương đương 0,1%) lên 75,62 USD/thùng vào lúc 13 giờ 46 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến 5 xu Mỹ (0,1%) lên 73,35 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, dầu Brent và WTI lần lượt hướng tới mức tăng 2,9% và 2,4%.
Ông Ravindra Rao, Phó Chủ tịch phụ trách bộ phận thị trường hàng hóa của công ty môi giới Kotak Securities, cho biết những kỳ vọng về thị trường toàn cầu thắt chặt là yếu tố chính hỗ trợ giá dầu thô, giữa lúc nhu cầu đang phục hồi, còn OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối (nhóm OPEC+) hạn chế nguồn cung và chứng khoán Mỹ giảm điểm.
Các nhà phân tích cho biết giá “vàng đen” cũng nhận được sự hỗ trợ sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ đạt thỏa thuận về đầu tư cho cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy tâm lý lạc quan về triển vọng nhu cầu năng lượng tại đây.
Sự chú ý đang đổ dồn vào cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 1/7 của OPEC+. Tại cuộc họp, các nước sẽ thảo luận về việc nới lỏng hơn nữa chương trình cắt giảm sản lượng từ tháng 8/2021.
Các yếu tố chính về phía cầu là OPEC+ sẽ phải xem xét là sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc nhờ việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như việc các nền kinh tế mở cửa trở lại. Song khối cũng cần lưu tâm đến tình hình số ca nhiễm COVID-19 tăng cao ở các khu vực khác.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ đã dự báo OPEC+ sẽ tăng nguồn cung thêm 500.000 thùng/ngày trong tháng Tám, sau khi khối này đã đồng ý cung cấp thêm cho thị trường 2,1 triệu thùng/ngày từ tháng 5-7/2021.