Vào lúc 14 giờ 12 phút ngày 30/1 (giờ Việt Nam) tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.313,96 USD/ounce, sau khi có lúc chạm ngưỡng mức cao nhất kể từ ngày 14/6/2018 là 1.315,49 USD/ounce. Còn giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% lên 1.312,8 USD/ounce.
Chuyên gia Edward Meir thuộc INTL FCStone cho biết giá vàng trong ngắn hạn sẽ có xu hướng gia tăng, vì Fed có dấu hiệu sẽ tạm dừng tiến trình tăng lãi suất, qua đó làm đồng USD yếu đi và hỗ trợ đà đi lên của giá vàng. Ngoài ra, chuyên gia này nói thêm rằng sự thiếu vắng một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, cũng sẽ có lợi cho thị trường vàng.
Các nhà đầu tư đang ngóng đợi quyết định cuối ngày của Fed, với kỳ vọng cơ quan này sẽ “kiên nhẫn” khi thực thi chính sách tiền tệ, do tình trạng xung đột thương mại trên phạm vi toàn cầu cũng như triển vọng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ. Trước đó, Fed đã tăng lãi suất bốn lần trong năm 2018.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ bị tác động xấu sau khi chính quyền Mỹ cáo buộc công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei Technologies Co. Ltd. vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 4,6% trong tháng này, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc tăng 0,6% lên 15,94 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên 15.96 USD/ounce - mức cao nhất kể tháng 7/2018. Trong khi đó, giá palladium giảm 0,3% xuống 1.341,18 USD/ounce. Còn giá bạch kim tăng 0,6% lên 814,41USD/ounce.