Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 2.180,49 USD/ounce vào lúc 0 giờ 50 phút (sáng 22/3 theo giờ Việt Nam) sau khi đã chạm mức cao nhất mọi thời đại là 2.222,39 USD/ounce trước đó cùng phiên. Ngược lại, giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,1% lên 2.184,7 USD/ounce.
Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại công ty môi giới tài chính TD Securities, cho biết động lực mua vào dường như tạm thời cạn kiệt và giá vàng đang điều chỉnh, giữa lúc thị trường bớt lo ngại hơn một chút về định hướng lãi suất của Fed trong năm 2024.
Bất chấp chỉ số lạm phát cao gần đây, Chủ tịch Powell cho biết Fed vẫn có khả năng giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm cho tới cuối năm 2024.
Các nhà giao dịch cho rằng có tới 72% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024, tăng từ mức 65% trước khi có quyết định từ cuộc họp mới nhất.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Một yếu tố khác thúc đẩy sự điều chỉnh của vàng là việc Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này tăng 0,8% sau khi trượt xuống mức thấp nhất trong một tuần. Diễn biến này khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 3,2% xuống 24,80 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,2% lên 908,70 USD/ounce.
Tại Việt Nam, khép phiên 21/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 78,80-80,82 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).