Động thái này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần đầu cắt giảm lãi suất cho vay kể từ đại dịch COVID-19, cho thấy khả năng sẽ có nhiều đợt cắt giảm nữa.
Tại châu Á, phần lớn các thị trường đã tăng điểm theo xu hướng toàn cầu, sau khi Fed mạnh tay cắt giảm lãi suất. Trên thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tăng 1,5%, tương đương với mức tăng ngày 19/9, nhờ đồng yen yếu hơn. Chỉ số chứng khoán Hang Seng trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) cũng tăng 1,1% lên 18.209,53 điểm; trong khi các thị trường Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan) và Manila (Philippines) cũng ghi nhận sức mua mạnh. Trái ngược với xu hướng này, chỉ số chứng khoán tại thị trường Wellington (New Zealand), Singapore và Jakarta (Indonesia) lại đi xuống.
Sau Fed, sự chú ý của thị trường tập trung vào Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), khi ngân hàng này quyết định giữ nguyên lãi suất trong một phiên họp cùng ngày. Cuộc họp của BoJ diễn ra chỉ vài giờ sau khi các số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 2,8% vào tháng 8, đúng như dự báo.
Nhà kinh tế trưởng của UBS Securities tại Nhật Bản, Masamichi Adachi nhận định lần tăng lãi suất tiếp theo sẽ sớm diễn ra. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cấp cao của Moody's Analytics, Stefan Angrick lo ngại việc siết chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế.
BoJ bắt đầu từ bỏ chính sách lãi suất cực thấp kéo dài vào tháng 3, lần tăng đầu tiên trong 17 năm. Tuy nhiên, lần tăng thứ hai vào tháng 7 đã gây chấn động khắp thị trường. Động thái này đã khiến đồng yen tăng giá, khi các nhà đầu tư từ bỏ chiến lược đầu tư ngoại hối “carry trade”, trong đó họ sử dụng đồng tiền giá rẻ để mua các tài sản có lợi suất cao hơn như cổ phiếu.