Cụ thể, tại thời điểm 8 giờ 55 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi giá vàng miếng giữ mức ổn định, giá vàng nhẫn giảm nhẹ. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77 - 78,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 77 - 78,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên giá niêm yết ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, phiên 20/8, giá vàng thế giới giữ vững trên mốc 2.500 USD/ounce, do tình hình căng thẳng ở Trung Đông, sự yếu đi của đồng USD và kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9/2024.
Giá vàng giao ngay đã tăng 0,3% lên 2.510,35 USD/ounce, sau khi có lúc vọt lên 2.531,60 USD/ounce, mức cao kỷ lục. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,4% lên 2.550,6 USD/ounce.
Việc chỉ số USD giảm xuống mức thấp trong 7 tháng, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm.
Chuyên gia Aakash Doshi, tại tổ chức nghiên cứu Citi Research, nhận định động lực chính cho giá vàng đi lên là nhu cầu đầu tư tài chính, đặc biệt là hoạt động mua vào của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF). Bên cạnh đó, giá kim loại quý này cũng được hưởng lợi nhờ niềm tin vào khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9.