Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá vàng miếng SJC ở mức 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Cùng với đó, giá vàng nhẫn cũng đi ngang. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82,55 - 83,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Trước đó, giá vàng thế giới tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 11/10, trong bối cảnh những dữ liệu kinh tế vừa được Mỹ công bố đã góp phần củng cố dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 11 tới. Nhu cầu tìm kiếm tài sản "trú ẩn an toàn" để phòng ngừa rủi ro do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, cũng là nhân tố giúp vàng tăng giá.
Khép phiên cuối tuần vừa qua, giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 2.658,42 USD/ounce. Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá vàng tăng, sau 6 phiên giảm giá. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng hơn 1,4%, lên 2.676,30 USD/ounce.
Chiến lược gia cao cấp về thị trường tại RJO Futures, Daniel Pavilonis nhận định, nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh, nhưng Fed vẫn đang hướng tới động thái giảm lãi suất, vì một số lĩnh vực trong nền kinh tế đã chậm lại đáng kể, như bất động sản. Chuyên gia Pavilonis dự báo giá vàng sẽ đạt đỉnh 3.000 USD/ounce vào năm 2025, do chịu tác động từ những căng thẳng địa chính trị, mối lo về lạm phát và các cuộc bầu cử vốn không chắc chắn.