Mở cửa phiên giao dịch, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 59,50 - 60,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Còn tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua, niêm yết ở mức 59,35 - 59,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng thế giới tăng tiếp tục tăng trong phiên 11/11 sau khi tăng lên gần mức cao nhất năm tháng qua trong phiên trước đó, bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao ở Mỹ thúc đẩy nhà đầu tư “đổ xô” mua vào kim loại quý này vốn được xem là hàng rào chống lạm phát. Khép lại phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.861,39 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tháng 12/2021 của Mỹ tăng 0,8% lên 1.863,90 USD/ounce.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty RJO Futures, cho biết: “Thị trường đang hoảng sợ với số liệu CPI tháng 10 tăng cao. Giới đầu tư xem vàng như một loại tài sản an toàn có thể chống lại rủi ro lạm phát”.
Giá vàng tăng gần 2% trong phiên 10/11 và đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng Sáu, sau khi số liệu cho thấy CPI tháng 10 của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm. Điều này cho thấy lạm phát có thể ở mức rất cao trong năm 2022.
Chuyên gia Haberkorn cho rằng các thông tin phiên trước đó tiếp tục hỗ trợ giá vàng tăng lên mức 1.900 USD/ounce, giữa bối cảnh thị trường không tin rằng lãi suất có thể tăng ngay vào thời điểm này.
Vàng đạt mức đỉnh mới trong vài phiên giao dịch vừa qua sau khi nhiều ngân hàng trung ương lớn trong tuần qua cho biết lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp trong ngắn hạn, giữa bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lập trường lạm phát là “tạm thời”.