Mở cửa phiên giao dịch, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,90 - 57,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá so với ngày hôm qua.
Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC lại tăng nhẹ 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch ngày hôm qua, ở mức 56,95 - 57,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Đánh giá về thị trường và và tiền tệ trên thị trường thế giới, ông Ricardo Evangelista, Chuyên gia phân tích cấp cao của Công ty môi giới ActivTrades có trụ sở tại Vương quốc Anh, nhận định, giá vàng đang giằng co giữa một bên là đồng USD mạnh lên làm giảm sức hấp dẫn của vàng, và bên kia là khẩu vị rủi ro giảm hỗ trợ cho kim loại quý này.
Trái ngược với sự sụt giảm mạnh trong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ, chỉ số đồng USD - thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác - đã chạm mức cao nhất trong hơn ba tháng, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Ngoài ra, Jeffrey Christian, đối tác quản lý của công ty CPM Group chuyên quản lý, nghiên cứu và tư vấn về hàng hóa, còn cho rằng giá vàng giảm trong thời gian gần đây một phần là do sự suy giảm theo mùa trong đầu tư và nhu cầu đối với kim loại quý này. Nhiều nhà đầu tư cho biết giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng Tám năm ngoái và vẫn chưa thể phục hồi kể từ đó.
Tâm lý của giới đầu tư ở các thị trường rủi ro hơn đã giảm mạnh trước những lo ngại khi sự gia tăng số ca mắc COVID-19 đã buộc nhiều nước ở châu Á phải tiến hành phong tỏa và làm gia tăng áp lực lạm phát.
Là yếu tố phản ánh tâm lý trên thị trường, lượng vàng do quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng qua trong phiên cuối tuần trước.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giảm 2,3% xuống 25,07 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 3% và được giao dịch ở mức 1.069,49 USD/ounce.