Lúc 8 giờ 45 phút, tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 56,65 - 57,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 30.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tại Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC tăng 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào so với chốt phiên cuối tuần qua, ở mức 56, - 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trước đó, các chuyên gia nhận định, giá vàng sẽ duy trì đà phục hồi trong dài hạn, khi giá vàng thế giới ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp trong bối cảnh nhà đầu tư cân nhắc về tốc độ gia tăng đột biến của biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 và kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất sớm.
Giá vàng đã chịu sức ép trước bình luận của các quan chức Fed về khả năng tăng lãi suất vào năm 2023 cũng như bắt đầu thu hẹp chương trình mua trái phiếu. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, sức hấp dẫn của vàng như một công cụ phòng ngừa lạm phát sẽ được duy trì khi đà tăng của lạm phát dự kiến có thể kéo dài lâu hơn.
Phillip Streible, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại Công ty Môi giới Blue Line Futures (Mỹ) cho rằng, số liệu việc làm tích cực khó có thể khiến Fed vội vàng thu hẹp chương trình kích thích kinh tế, đặc biệt khi biến thể Delta khiến một số quốc gia ở châu Á và châu Âu tạm dừng kế hoạch mở cửa kinh tế trở lại.
Đồng quan điểm này, Bart Melek, người đứng đầu Bộ phận Chiến lược hàng hóa tại Công ty TD Securities đưa ra nhận định, tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số khu vực tại Mỹ có thể thuyết phục một số nhà đầu tư rằng lập trường của Fed sẽ thận trọng hơn về vấn đề tăng lãi suất. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ vàng trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn, giá vàng đang đối mặt với ngưỡng kháng cự kỹ thuật ở khoảng 1.790 USD/ounce.