Chiều phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.783,50 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% vào phiên trước đó, được hỗ trợ bởi đà suy giảm của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,2% trong phiên 8/12, xuống 1.795,1 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD- thước do diễn biến đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt- tăng 0,2% phiên này, khiến vàng- vốn được định giá bằng đồng USD- trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ilya Spivak, người đứng đầu bộ phận vĩ mô toàn cầu tại công ty tư vấn đầu tư Tastytrade (Mỹ) cho biết: “Hiện tại, chúng ta đang chứng kiến sự điều chỉnh về giá sau đợt phục hồi phiên 7/12, bằng cách này hay cách khác, vàng có thể gặp khó khăn trong việc tạo đà định hướng cho đến khi Fed họp chính sách”.
Hầu hết các nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ đưa ra mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp cuối cùng của năm 2022, dự kiến diễn ra vào ngày 13-14/12 tới. Những người tham gia thị trường cũng đang chờ đợi báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11, dự kiến được Chính phủ Mỹ công bố ngày 13/12.
Chiến lược gia Christopher Wong của bộ phận tiền tệ thuộc ngân hàng OCBC (Singapore) cho biết, vàng có thể sẽ giao dịch trong phạm vi 1765-1795 USD/ounce trước cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), đồng thời cho biết thêm rằng trọng tâm chính vẫn là việc lập trường “diều hâu” của Fed sẽ được duy trì như thế nào.
Vàng vốn được biết đến như một công cụ phòng ngừa lạm phát và đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị. Tuy nhiên, lãi suất cao hơn có xu hướng làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.
Cùng ngày, giá bạc giao ngay giảm 0,6% xuống 22,60 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,2% xuống 1.000,67 USD/ounce, còn giá palladium không đổi ở mức 1.844,20 USD/ounce.
Tại Việt Nam, chiều 8/12, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,35 - 67,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).