Cuối tháng Bảy, Ấn Độ đã cắt giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống còn 6%, mức thấp nhất trong 10 năm qua. Động thái này đã đưa giá vàng trong nước xuống mức thấp nhất bốn tháng là 67.400 rupee (803,16 USD)/10 gram, từ đó tiếp sức cho ngành vàng Ấn Độ.
Ông Prithviraj Kothari, Chủ tịch Hiệp hội Vàng và Trang sức Ấn Độ (IBJA), cho biết thị trường đang đã cảm thấy lạc quan về nhu cầu sau khi thuế được cắt giảm, với mức độ quan tâm đến vàng tăng đột biến, khiến ngành vàng kỳ vọng về một mùa lễ hội khởi sắc. Ông Ashok Jain, chủ sở hữu công ty bán buôn vàng Chenaji Narsinghji ở Mumbai, cho biết sau khi thuế được cắt giảm, nhu cầu đã tăng mạnh và các nhà kim hoàn đã đặt hàng với số lượng lớn từ các nhà sản xuất để giao hàng trước mùa lễ hội.
Nhưng theo chuyên gia này, với việc giá vàng phục hồi ngay trước mùa lễ hội, nhu cầu có thể sẽ giảm 20% so với bình thường về khối lượng. Giá vàng đã tăng 13,2% từ mức thấp hồi tháng Bảy nói trên lên mức cao kỷ lục 76.331 rupee, bám sát đà tăng của thị trường toàn cầu.
Ông Jain cho biết hiện các nhà kim hoàn không muốn nhận đủ số lượng đã đặt, nhiều người chỉ nhận một nửa số đó. Vào tháng Tám, nhập khẩu vàng của Ấn Độ đã tăng vọt 216% so với tháng trước đó, lên 136 tấn, do các nhà kim hoàn dự đoán nhu cầu trong mùa lễ hội sẽ tăng mạnh. Nhưng đà tăng của giá vàng sau đó được dự đoán đã khiến lượng vàng nhập khẩu giảm 60 tấn trong tháng Chín.
Mùa lễ hội ở Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới sau Trung Quốc, thường là thời điểm người dân mua vàng nhiều nhất. Vàng được coi là vật phẩm may mắn để làm quà tặng trong đám cưới và các lễ hội như Diwali và Dussehra. Năm nay, lễ hội Dussehra rơi vào ngày 12/10 và lễ Diwali sẽ được tổ chức vào cuối tháng 10.
Ông Kothari cho biết thói quen mua vàng đang thay đổi, khi người tiêu dùng có xu hướng mua trải đều trong năm và chú ý đến giá cả hơn là chờ đợi các dịp đặc biệt. Ông Amit Modak, Giám đốc điều hành của công ty kim hoàn PN Gadgil and Sons, cho biết kể từ mùa lễ hội năm ngoái, giá vàng đã tăng hơn 25%, trong khi khả năng chi tiêu của người tiêu dùng lại không theo kịp.