Sự suy giảm này diễn những nhận xét lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã xóa đi những hỗ trợ cho giá vàng đến từ báo cáo việc làm tháng 8/2019 tại Mỹ yếu hơn dự kiến.
Phiên này, giá vàng giao ngay đã giảm 0,7% xuống 1.508 USD/ounce vào lúc 1 giờ phút (giờ Việt Nam) sau khi đã có lúc tuột dốc hơn 1% hồi đầu phiên.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng để mất 10 USD xuống 1.515,5 USD/ounce khi chốt phiên này.
Theo giới quan sát, yếu tố ảnh hưởng chính đến tâm lý nhà đầu tư trong phiên 6/9 là những nhận định lạc quan về tình hình kinh tế Mỹ của Chủ tịch Powell.
Tại một cuộc họp ở Zurich (Đức), ông Powell nói rằng báo cáo việc làm tháng Tám vẫn phù hợp với tình hình thị trường lao động khá “khỏe mạnh” tại Mỹ. Chủ tịch Fed cũng cho biết thêm rằng mặc dù đang có những bất ổn trong hoạt động thương mại, ông chưa nhận thấy những dấu hiệu rằng nền kinh tế Mỹ sắp rơi vào suy thoái.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại công ty tư vấn tài chính OANDA cho hay việc bán tháo vàng trong phiên 6/9 chủ yếu do những nhận định hơi lạc quan mà ông Powell đưa ra. Các thị trường đang kỳ vọng lời phát biểu của ông sẽ có xu hướng ôn hòa hơn một chút.
Tuy nhiên, chuyên gia Moya cho rằng triển vọng dài hạn của giá vàng nhìn chung vẫn còn mạnh mẽ, dù diễn biến có thể trồi sụt thất thường. Những yếu tố chính hỗ trợ cho giá vàng sẽ là những biện pháp kích thích kinh tế dự kiến từ Fed và Ngân hàng Nhân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) trong thời gin tới.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết những bất ổn xung quanh quan hệ thương mại Mỹ - Trung, cùng những lo ngại về tình trạng giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức âm tại nhiều nước trên toàn thế giới đang tiếp tục hỗ trợ giá vàng lên cao hơn nữa.
Tính chung trên tuần này, giá vàng đã giảm khoảng 0,7%. Giá kim loại quý này đã khởi đầu tuần mới trong phiên ngày 2/9 với mức tăng nhẹ 0,4% khi Mỹ và Trung Quốc chính thức tăng thuế lên hàng hóa của nhau kể từ ngày 1/9.
Đà tăng này được duy trì đến phiên 4/9, trong bối cảnh một loạt những số liệu đáng lo ngại về tình hình ngành chế tạo của Mỹ đã dấy lên lo ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhưng đến phiên 5/9, giá kim loại quý này quay đầu giảm mạnh hơn 2% khi số liệu cho thấy số việc làm tại các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ đã tăng lên và lĩnh vực dịch vụ của nước này cũng tăng tốc trong tháng Tám.
Bên cạnh đó, việc Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận sẽ tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với Mỹ vào đầu tháng 10 tới đã gia tăng những kỳ vọng về sự “tan băng” trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những diễn biến trên đã khiến giới đầu tư quay sang các tài sản rủi ro hơn như chứng khoán và đẩy giá vàng lao dốc trong phiên này.
Tuy nhiên, chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của công ty môi giới đầu tư RJO Futures cho biết một sự sụt giảm tương tự như trong phiên 5/9 sẽ không đủ để thay đổi xu hướng chung. Chuyên gia này cho rằng những động thái liên quan tới chính sách lãi suất của các ngân hàng trung ương sẽ đẩy vàng lên cao hơn nữa theo thời gian.