Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,6%, xuống mức 2.161,39 USD/ounce, rời xa mức cao kỷ lục 2.194,99 USD đạt được vào ngày 8/3. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% ở mức 2.167,5 USD/ounce.
Đồng USD tăng 0,6% so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ tiền tệ khác. Trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong hơn một tuần.
Ông Chris Gaffney, Chủ tịch mảng thị trường thế giới tại EverBank, cho biết: “Tôi dự đoán vàng sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm với tất cả dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường lao động vững chắc. Điều đó khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về việc Fed sẽ quyết định bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm đến mức nào.”
Giá sản xuất của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 2/2024, giữa bối cảnh giá hàng hóa như xăng và thực phẩm tăng cao, điều này có thể làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng trở lại. Lạm phát cao hơn gây thêm áp lực lên Fed trong việc giữ lãi suất ở mức cao, gây áp lực lên các tài sản không mang lại lợi nhuận như vàng.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024, với xác suất xảy ra là khoảng 60%.
Cuối phiên 14/3, tại thị trường Việt Nam, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng ở mức 79,7 - 81,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.