Khoảng 2 giờ 40 phút sáng ngày 13/1 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 1.896,30 USD/ounce. Trước đó, giá kim loại quý này đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2022 là 1.901,4 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 1,1% lên 1.898,8 USD/ounce.
Giá tiêu dùng Mỹ đã tăng 6,5% trong tháng 12/2022, phù hợp với dự báo của thị trường, sau khi tăng 7,1% trong tháng 11/2022. Lạm phát cơ bản cũng giống với dự báo của thị trường.
Nhà phân tích Suki Cooper thuộc ngân hàng Standard Chartered (Anh) cho biết lợi suất trái phiếu và đồng USD suy yếu đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng trong bối cảnh hai yếu tố chính cản trở vàng trong suốt năm 2022 đang cho thấy những dấu hiệu chững lại. Thêm vào đó, Fed có thể tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng Hai trước khi dừng lại và sau đó cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Đồng USD đã giảm 0,8% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 6/2022, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác.
Các thành viên ban lãnh đạo của Fed đã cho biết rằng mặc dù chỉ số giá tiêu dùng đang đi đúng hướng, song họ vẫn ủng hộ quan điểm đưa chỉ số này trở lại 2%. Do đó lãi suất đang tăng chậm lại nhưng sẽ kéo dài và có khả năng cao hơn.
Chủ tịch chi nhánh Fed tại Philadelphia Patrick Harker và Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis James Bullard nhận thấy lãi suất sẽ “hạ cánh” ở mức 5% để kiềm chế lạm phát, vốn đã đạt đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022.
Các nhà đầu tư đang đặt cược 90% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên phạm vi 4,50% đến 4,75% tại cuộc họp của Fed sắp tới.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,8% lên 23,85 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,4% lên 1.075,25 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,4% lên 1.780,46 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 13/1, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,2 - 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).