Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.928,81 USD/ounce. Trong tháng 1, giá vàng đã tăng 5,7%. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,3% lên 1.945,3 USD/ounce. Việc đồng USD giảm tháng thứ tư liên tiếp khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Dự kiến, FED sẽ đưa ra quyết định về lãi suất vào lúc 2h giờ Việt Nam (ngày 2/2), sau đó là cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell. Giới kinh doanh dự báo FED sẽ tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản lên khoảng 4,5%-4,75% và kỳ vọng rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh 4,9% vào tháng 6.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến sẽ tăng lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản vào ngày 2/2. Lãi suất thấp có xu hướng có lợi cho vàng, làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi.
Phillip Streible, nhà chiến lược thị trường hàng đầu tại Blue Line Futures ở Chicago (Mỹ), cho biết với những diễn biến mới trong tuần này, các nhà đầu tư nên lưu ý việc giá vàng có khả năng sẽ biến động.
Trước đó, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết trong năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua 1.136 tấn vàng, trị giá khoảng 70 tỷ USD. Đây là năm gom vàng mạnh nhất của các ngân hàng trung ương kể từ năm 1967. Số liệu này cho thấy sự thay đổi trong chính sách về vàng của ngân hàng trung ương thế giới kể từ những năm 1990 và 2000, khi mỗi năm họ bán ra hàng trăm tấn kim loại quý này. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, các ngân hàng châu Âu đã ngừng bán vàng và ngày càng nhiều nền kinh tế mới nổi như Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ mua vào.
Các ngân hàng trung ương chuộng vàng bởi vì kim loại quý này có thể duy trì giá trị trong những giai đoạn biến động. Ngoài ra, khác với tiền tệ hay trái phiếu, vàng không phụ thuộc vào bất cứ bên phát hành hay chính phủ nào. Vàng cũng cho phép ngân hàng trung ương đa dạng kho dự trữ ngoại hối, bên cạnh đồng USD và trái phiếu Chính phủ Mỹ.