Lúc 1h03 ngày 19/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 1,1% lên 1.975,49 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 5. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tăng 1,2% và khép phiên ở mức 1.980,80 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt dao động gần mức thấp nhất hơn một năm qua, khiến cho vàng vốn là kim loại quý được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đi xuống hai phiên liên tiếp, từ đó làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Cùng ngày 18/7, giá đồng USD nhích lên sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số đồng USD tăng 0,04% lên mức 99,924, sau khi giảm xuống 99,549, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022.
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên 18/7 sau những cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và những đồn đoán rằng Fed sẽ sớm dừng tăng lãi suất, cũng như dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ giảm xuống.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,13 USD, hay 1,4%, lên 79,63 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,60 USD, hay 2,2%, lên 75,75 USD/thùng.
Tại Mỹ, nhiều số liệu kinh tế gần đây, trong đó có báo cáo được công bố ngày 18/7 cho thấy doanh số bán lẻ tăng ít hơn dự đoán trong tháng 6 vừa qua, đã củng cố những đồn đoán rằng Fed sẽ dừng chu kỳ nâng lãi suất sau một đợt tăng thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng này. Lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí đi vay và có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, từ đó làm giảm nhu cầu dầu mỏ.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, sau số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ảm đạm được công bố mới đây, cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của nước này đã cam kết đưa ra các chính sách nhằm phục hồi và thúc đẩy hoạt động tiêu dùng.
Chuyên gia Edward Moya của công ty phân tích và dữ liệu OANDA, cho biết giới giao dịch năng lượng dự đoán thị trường sẽ vẫn thắt chặt khi lượng dầu xuất khẩu của Nga giảm và Trung Quốc chuẩn bị đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa cho các hộ gia đình.
Về phía nguồn cung, theo dự đoán của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể giảm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022 trong tháng 8 tới. Trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Anh), các nhà phân tích ước tính lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/7.
Trên thị trường chứng khoán, các sàn giao dịch của Mỹ và châu Âu hầu hết đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 18/7, với chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên thứ bảy liên tiếp tăng, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng vững mạnh giúp kéo dài đà phục hồi của thị trường.
Giá cổ phiếu của Morgan Stanley, Bank of America và Charles Schwab đều đi lên, sau khi các ngân hàng này công bố báo cáo về kết quả kinh doanh khả quan hơn dự kiến.
Khép phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1% lên 34.951,93 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,7% lên 4.554,98 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,8% lên 14.353,64 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE tại thị trường chứng khoán London (Vương quốc Anh) lúc đóng cửa tăng 0,6% lên 7.453,69 điểm. Chỉ số CAC 40 tại thị trường Paris (Pháp) tăng 0,4% lên 7.319,18 điểm, chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 0,4% lên 16.125,49 điểm. Chỉ số EURO STOXX 50 tăng 0,3% lên 4.369,73 điểm.