Khoảng 1 giờ 45 phút sáng 28/2 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.817,69 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 0,4% lên 1.824,90 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,5% sau khi chạm mức đỉnh của bảy tuần, giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn cho những người mua nước ngoài.
Người đứng đầu Bộ phận Chiến lược thị trường hàng hóa Bart Melek tại công ty môi giới đầu tư TD Securities (Mỹ) cho biết giá vàng có mức hỗ trợ khoảng 1.806 USD/ounce nhưng kim loại quý này đã giảm xuống do lạm phát cao hơn dự kiến và dữ liệu kinh tế tiếp tục vững chắc.
Sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 4/2022, giá vàng đã giảm khoảng hơn 7% sau khi số liệu cho thấy kinh tế Mỹ khỏe mạnh.
Số liệu công bố ngày 24/2 cho thấy chi tiêu tiêu dùng của Mỹ trong tháng 1/2023 đã tăng nhiều nhất trong gần hai năm, dù cho lạm phát cũng tăng, làm gia tăng lo ngại của thị trường rằng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất.
Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại sàn giao dịch hàng hóa FXTM, cho biết do lạm phát vẫn tăng trong tháng 1/2023 khiến nhu cầu vàng, không mang lại lợi nhuận, có thể bị ảnh hưởng bởi những đồn đoán lãi suất sẽ tăng trong thời gian tới. Vàng vẫn rất nhạy cảm với những lời bình luận của các quan chức Fed, dữ liệu kinh tế quan trọng và bất kỳ chủ đề nào liên quan đến lạm phát khi thị trường bước vào tháng mới.
Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng bởi nó làm tăng chi phí cơ hội không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,5% xuống 20,67 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 3,3% lên 939,58 USD/ounce, và giá palladium tăng 1,7% lên 1.427,67 USD/ounce.
Ngoài ra ông Melek cho hay dù vẫn còn khả năng kinh tế suy thoái, song hoạt động mua bạch kim và palladium từ châu Á mạnh đáng kể, cùng với vấn đề nguồn cung tại Nga và Nam Phi đang giúp các kim loại quý này tăng giá.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 28/2, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,05 - 66,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).