Cuối phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên mức 2.454,40 USD/ounce, sau khi tăng tới 0,9% vào đầu phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,5%, lên mức 2.492,40 USD/ounce.
Báo cáo cùng ngày của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ của nước này đã tăng 1% trong tháng 7/2024, sau khi điều chỉnh giảm 0,2% trong tháng Sáu. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm xuống mức thấp nhất một tháng vào tuần trước.
Các dữ liệu tích cực trên đối với nền kinh tế Mỹ đã khiến đồng USD tăng 0,5% so với các đồng tiền khác, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng vọt trong phiên này.
Hai quan chức Fed hôm 15/8 đã thảo luận về khả năng cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách của ngân hàng này vào tháng tới, đảo ngược thái độ hoài nghi trước đây của họ về việc giảm chi phí đi vay quá sớm.
Theo CME FedWatch Tool, các thị trường dự đoán 100% khả năng Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tới. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế mạnh mẽ mới đây đã khiến tỷ lệ dự đoán này giảm 0,5 điểm phần trăm. Môi trường lãi suất thấp có xu hướng thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản phi lợi nhuận.
Ông Jeffrey Christian, đối tác quản lý của CPM Group, cho biết: “Những bất ổn chính trị sẽ tiếp tục tác động tích cực đến giá vàng, nhưng chúng cũng sẽ làm tăng thêm sự biến động”.
Cùng ngày, giá bạc giao ngay tăng 2,6% lên 28,30 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 3,8% lên 954,65 USD/ounce và giá palladium tăng 0,5% lên 940,04 USD/ounce. Các kim loại quý sử dụng trong công nghiệp như bạc và bạch kim được hưởng lợi từ dữ liệu kinh tế tốt hơn do nhu cầu đối với chúng dự kiến sẽ tăng khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn”.
Tại Việt Nam, vào chiều 15/8, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 78,00 - 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).