Lúc 9 giờ 5 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 48,5 - 48,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối ngày hôm qua, mức giá này tăng 80 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua và bán.
Thời điểm này, giá vàng SJC tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cũng được niêm yết ở mức 48,58 - 48,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 120 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với giá đóng cửa hôm qua.
Còn tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC được điều chỉnh tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 150 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá đóng cửa hôm qua, niêm yết ở mức 48,5 - 48,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch 10/6, tăng gần 1%, chạm mức cao nhất một tuần qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ cam kết sẽ “xoa dịu” những tổn thương kinh tế do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Vàng chạm mức cao nhất trong ngày ngay khi thông báo của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed “vẽ” nên bức tranh khá bi quan về nền kinh tế Mỹ, dù cho đó không phải là điều bất ngờ. Bởi vậy, theo Jim Wyckoff, chuyên gia phân tích cấp cao của Kitco Metals, lãi suất sẽ vẫn ở mức rất thấp như hiên tại tới năm 2022, và đó là tin tốt lành đối với thị trường vàng.
Tuy nhiên, Fed đã tái khẳng định lời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh cho nền kinh tế khi các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm 6,5% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 9,3% vào cuối năm.
Phil Streible, chiến lược gia trưởng của Blue Line Futures, cho biết, mọi người đang sử dụng vàng như một tài sản trú ẩn an toàn và cũng có nhiều người tin rằng lạm phát sẽ tăng trong các quý tới.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ đạt 1.800 USD/ounce trong 12 tháng tới và nguy cơ lạm phát vượt mức mục tiêu sẽ là yếu tố tiềm tàng đẩy giá vàng lên 2.000 USD/ounce.