Tại phiên cuối tuần 9/6, giá vàng được các doanh nghiệp, đơn vị, cửa hàng có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng niêm yết ở mức bán ra khoảng 76,98 - 77 triệu đồng/lượng, gần tương đương với mức 76,98 triệu đồng/lượng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phê duyệt bán miếng trực tiếp vào sáng ngày làm việc cuối cùng trong tuần 7/6.
So với tuần trước, giá vàng trong nước đã giảm khoảng 6 triệu đồng/lượng, thu hẹp mức chênh lệch với giá vàng thế giới quy đổi hơn 8 triệu đồng/lượng; thấp hơn rất nhiều mức 13 triệu đồng hồi cuối tháng 5.
Cùng với mức giá bán ra hiện nay, giá vàng miếng đang dần tiệm cận với giá vàng nhẫn khi giá vàng nhẫn trong phiên cuối tuần 9/6 ghi nhận mức bán ra 74,14 - 74, triệu đồng/lượng. Với vàng nhẫn, đây cũng là giá giao dịch thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây.
Dư luận bày tỏ đồng tình khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp đã giúp "hạ nhiệt" giá vàng trong nước, đồng thời thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thời gian qua.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp. Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai đồng bộ các giải pháp bình ổn thị trường và đã đạt được những kết quả bước đầu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 4696/NHNN-QLNH yêu cầu giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện về quản lý thị trường ngoại hối và vàng; trong đó, xử lý nghiêm việc mua, bán vàng miếng của các cửa hàng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Song, để ổn định thị trường vàng, giới phân tích cho rằng, cần sự linh hoạt của cơ quan điều hành và trên hết là việc cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Trước đó, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 , Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các nghị quyết, công điện, chỉ thị và các văn bản có liên quan, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Trước nhu cầu trên thị trường còn rất lớn, chuyên gia Trương Vi Tuấn của trang giavang.net khuyến nghị, người mua cần chú ý bám sát diễn biến giá; trong đó, theo dõi các động thái mới của thị trường vàng thế giới khi tuần này có thông tin báo cáo việc làm, cuộc họp tháng 6 của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) được tổ chức tuần sau. Dự báo không có bình luận của quan chức Fed nên tâm lý nhà đầu tư có thể ảnh hưởng rất nhiều tới mức giá vàng thế giới.
Đáng chú ý, tâm lý chi phối trên thị trường tuần qua là tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) dừng mua vàng trong tháng trước, sau một năm rưỡi mua vào.
Theo nhà phân tích thị trường Han Tan thuộc Exinity, quyết định dừng mua vàng sau 18 tháng của PBoC đã làm mất đi động lực chính đưa giá vàng chinh phục các mức cao kỷ lục.
Cùng lúc, báo cáo việc làm tháng 5/2024 cho thấy, nền kinh tế Mỹ tạo ra 272.000 việc làm mới, con số cao hơn dự kiến. Số liệu việc làm mới đã làm giảm khả năng Fed sớm hạ lãi suất. Số liệu việc làm đã kéo đồng USD lên giá và giảm giá vàng thế giới.
Giá vàng thế giới chốt phiên 7/6 ở mức thấp nhất trong khoảng 1 tháng qua. Đáng chú ý, tuần qua cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của giá vàng. Tại Sàn giao dịch Vàng Comex, giá vàng giao tháng 8/2024 giảm xuống mức 2.325 USD/ounce.