Giá xăng dầu được quản lý bảo đảm hài hòa lợi ích

Tại cuộc họp báo Bộ Công Thương chiều 30/9, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, giá bán xăng dầu được quản lý trên cơ sở đảm bảo lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chú thích ảnh
Người dân Hà Nội mua xăng tại một điểm bán xăng dầu. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bình ổn thị trường và hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương luôn bám sát vào các chỉ đạo của Chính phủ cũng như điều hành theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Qua đó, Bộ phối hợp với các doanh nghiệp xăng dầu bảo đảm được nguồn cung và điều hành giá nhịp nhàng, hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh.

Trong 9 tháng đầu năm nay, CPI tăng 1,82% và ở mức rất thấp so với chỉ tiêu của Quốc hội đặt ra trong năm 2021. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của giá xăng dầu trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa với mức chi phí hợp lý và hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này, bà Lê Việt Nga chia sẻ.

Bà Nga cho biết thêm, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những nghiên cứu đề xuất của khối doanh nghiệp trong việc giảm giá điện, giá xăng, Vụ Thị trường trong nước đã có những nghiên cứu, nắm bắt thị trường, đặc biệt là giá xăng dầu trên thị trường thế giới và bám sát các điều hành liên quan giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các doanh nghiệp để đưa ra những nhận định, đánh giá và phối hợp hiệu quả để sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Chính vì vậy, thời gian tới thị trường xăng dầu sẽ có nhiều biến động, giá cũng có khả năng tăng. Nguyên nhân là do các nền kinh tế đều dần dần khôi phục trở lại, gia tăng số lượng người trên thế giới được tiêm vaccine và các nước bắt đầu mở cửa, sử dụng thẻ xanh COVID-19 để có thể tái khởi động lại sản xuất kinh doanh, đi lại, giao thông vận tải, du lịch… 

“Chính vì vậy, việc giảm giá xăng dầu trên thế giới trong thời gian tới sẽ rất khó xảy ra. Đây cũng là một yếu tố khách quan sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước” - bà Lê Việt Nga nhận định.

Ngoài tác động của giá xăng dầu thế giới, theo và Lê Việt Nga, việc điều hành giá xăng dầu trong nước bên cạnh việc đảm bảo nguồn cung, cần căn cứ tình trạng Quỹ bình ổn xăng dầu hiện như thế nào, có thể gạn được Quỹ này hay không. Qua đó, phân tích những yếu tố về giá, thuế và làm việc chặt chẽ với Bộ Tài chính về việc giảm thuế như thuế môi trường đối với xăng E5 sinh học... Bộ Tài chính cũng nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét giảm thuế trong thời gian tới thông qua Tổ điều hành thị trường trong nước và hoạt động liên ngành thực hiện theo Nghị định 83 về điều hành quản lý xăng dầu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính cũng như các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất cho nền kinh tế, bảo đảm hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp” - bà Lê Việt Nga khẳng định.

Đức Dũng (TTXVN)
Bộ Công Thương: Không tính đến chuyện điều chỉnh giá điện
Bộ Công Thương: Không tính đến chuyện điều chỉnh giá điện

Thông tin tại buổi họp báo Bộ Công Thương chiều 30/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, mặc dù nhiều yếu tố có tác động đến giá thành song Bộ Công Thương không tính đến chuyện điều chỉnh giá điện trong năm nay và năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN