Trong đó, Tổng cục Thuế giảm được 2.485 đầu mối (27 phòng thuộc Tổng cục Thuế; 62 phòng của cục thuế tỉnh, thành phố; giảm 296 chi cục thuế tại các cục thuế tỉnh, thành phố; giảm 2.100 đội thuế thuộc chi cục thuế).
Kho bạc Nhà nước (KBNN) giảm được 234 đầu mối (186 phòng và tương đương thuộc KBNN cấp tỉnh, 48 phòng giao dịch thuộc KBNN quận, huyện tương đương cấp chi cục); Tổng cục Hải quan giảm được 253 đầu mối (14 chi cục; 239 tổ, đội); Tổng cục Dự trữ Nhà nước giảm được 13 đầu mối (4 chi cục; 9 bộ phận tương đương cấp tổ, đội).
Ngoài ra, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 9 đơn vị (từ 36 đơn vị xuống còn 27 đơn vị) do sáp nhập, giải thể để giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính; giải thể 6 đơn vị sự nghiệp cấp cục thuộc bộ; giải thể 1 đơn vị sự nghiệp thuộc cục thuộc tổng cục, trực thuộc Bộ Tài chính.
“Kết quả sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính đã cho thấy hiệu quả bước đầu trong việc giảm bớt khâu trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, tập trung nguồn lực cho bộ phận tác nghiệp trực tiếp. Qua đó, giảm số vị trí chức vụ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cấp chi cục và cấp đội; thanh lọc bộ máy, góp phần cơ cấu lại đội ngũ công chức của ngành”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cùng với việc tinh gọn bộ máy, cải cách và hiện đại hóa ngành, công tác quản lý biên chế và tinh gọn đội ngũ công chức của Bộ Tài chính cũng được rà soát và tổ chức thực hiện đồng bộ.
Trong đó để đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế được giao so với năm 2015, năm 2019, biên chế công chức tại các tổ chức hành chính của Bộ Tài chính là 69.288 biên chế (giảm 4.974 chỉ tiêu tương đương 6,7% so với số đã được giao năm 2015 là 74.262 biên chế), năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện giao 67.802 chỉ tiêu (giảm 1.486 chỉ tiêu tương đương 2,14% so với năm 2019 và giảm 6.460 chỉ tiêu tương đương 8,70% so với năm 2015).