Tàu ngô nhập khẩu đầu tiên của MXV đã cập cảng Quảng Ninh
Sau 6 tuần rời cảng Bahia Blanca, Argentina, tàu MV Galaxy Globe đã cập cầu Cảng Quảng Ninh lúc 10h00 ngày 30/11/2022. Tàu chở hơn 73.000 tấn nông sản nhập khẩu, trong đó chủ yếu là mặt hàng ngô được sử dụng cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là lô hàng nhập khẩu đầu tiên, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của MXV nói riêng và thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam nói chung.
Trong năm 2022, khối lượng giao dịch hàng hóa tại MXV dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng trên 30% so với năm 2021. Sau 4 năm liên thông giao dịch với các Sở Giao dịch thế giới, giao dịch hàng hóa đã trở thành một kênh đầu tư phổ biến đối với các nhà đầu tư trong nước, đồng thời mang đến công cụ bảo hiểm giá ưu việt dành cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh nhiều thị trường đầu tư truyền thống có dấu hiệu hạ nhiệt, khối lượng và giá trị giao dịch hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, cho thấy thị trường đã bước qua giai đoạn xây dựng và phát triển cơ bản, chuẩn bị bước sang giai đoạn mở rộng cả về chất lượng và quy mô.
Bên cạnh hình thức giao dịch điện tử, giao nhận hàng hóa là một phần không thể thiếu trong mô hình hoạt động của bất kỳ thị trường giao dịch hàng hóa nào. Chia sẻ trong buổi làm việc với Bộ Công Thương vào tháng 09/2022, đại diện Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME Group) cho biết các Sở Giao dịch lớn trên thế giới đều có chức năng giao nhận hàng vật chất. Mặc dù trên thực tế, tỉ trọng của hàng hóa được giao nhận thông qua các Sở Giao dịch chỉ chiếm ít hơn 1% tổng khối lượng giao dịch điện tử; nhưng đây vẫn là nghiệp vụ quan trọng, đảm bảo sự liền mạch trong hoạt động giao dịch hàng hóa.
Trong buổi làm việc tại trụ sở MXV vào ngày 3/12/2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải đã đặc biệt nhấn mạnh việc MXV cần đẩy mạnh hoạt động giao nhận hàng hóa vật chất, để đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế và hướng tới trở thành một trong những Sở Giao dịch Hàng hóa lớn nhất trong khu vực. Đây là yếu tố cần thiết và quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế và thương mại của đất nước.
Tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam
Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nước ta đang ngày càng nhập khẩu nhiều nguyên liệu cho hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN), là đầu vào cho chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu trong nước. Ông Phạm Thanh Dương, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết “Trong năm 2022, Việt Nam dự báo sẽ đứng thứ 3 về nhập khẩu khô đậu tương và đứng thứ 6 về nhập khẩu ngô trên toàn thế giới. Với ngành chăn nuôi đang hồi phục và phát triển, mức tiêu thụ nguyên liệu TĂCN của nước ta dự báo sẽ tăng từ 10 – 15% trong năm 2023”. Trong khi ngô cung cấp chất bột, thì khô đậu tương là loại nguyên liệu không thể thay thế trong việc cung cấp protein cho gia súc, gia cầm. Các nhà máy thức ăn chăn nuôi trong nước thường sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ Mỹ, Brazil và Argentina; trong khi giá nhập khẩu sẽ được điều chỉnh theo giá nông sản giao dịch tại MXV liên thông với CME Group.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đứng trước nhiều biến số khó lường trong năm 2023 khi bóng đen lạm phát đang phủ kín các diễn đàn kinh tế, nhu cầu tiêu thụ nhiều mặt hàng không thiết yếu như cà phê, ca cao, cao su,…dự kiến sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, các mặt hàng có tính thiếu yếu như các sản phẩm chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn duy trì mức tiêu thụ ổn định, thậm chí còn tăng trưởng khi dân số thế giới đã vượt mốc 8 tỷ người. “MXV đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Không những phát triển về lượng, thị trường sẽ tiếp tục phát triển về chất, đặc biệt là sự đa dạng của các sản phẩm nhập khẩu. Việc tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam cũng nằm trong tầm nhìn và sứ mệnh của MXV, góp phần nâng cao hoạt động thương mại trong nước và quốc tế”, ông Dương cho biết thêm.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/11/2022, nước ta đã nhập khẩu 7,9 triệu tấn ngô; 1,6 triệu tấn đậu tương; 3,4 triệu tấn lúa mì. Kim ngạch nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính đã vượt mốc 10 tỷ USD. Vào cuối tháng 10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ này kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0%, để giúp ngành chăn nuôi hồi phục và phát triển. Theo thống kê của MXV, thị trường heo hơi đã có những tín hiệu đáng mừng khi giá bán đã tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg trong tuần qua.
Phát triển thương mại và logistics trong ngành nông sản
Với vị trí địa lý thuận lợi, hoạt động nhập khẩu nông sản tại các cảng biển của Việt Nam đã phát triển sôi động kể từ đầu những năm 2000. Trong đó, với sự đầu tư kỹ lưỡng và hoạt động chuyên nghiệp, Cảng Quảng Ninh được đánh giá là cảng biển có thế mạnh trong việc xếp dỡ hàng nông sản tại khu vực phía Bắc. Trung bình mỗi tháng, cảng tiếp nhận hơn 30 tàu cập cảng. Những ngày cao điểm, cảng có thể xếp dỡ 10 tàu hàng cùng thời điểm, trong đó có 5 tàu hàng cỡ panamax (từ 55.000 - 80.000 tấn). Đây rõ ràng là những con số biết nói, cho thấy sự đóng góp không nhỏ của logistics vào sự phát triển chung của hoạt động giao thương hàng hóa tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Cảng Quảng Ninh cho biết “Cảng đã và đang liên tục cải tiến và áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động xếp, dỡ hàng, để có thể nâng cao tốc độ khai thác trong thời gian sớm nhất. Với sự phát triển của thị trường giao dịch hàng hóa, lượng hàng nông sản nhập khẩu về Cảng Quảng Ninh dự kiến sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới, nhưng vẫn nằm trong khả năng khai thác của cảng, đảm bảo mọi hoạt động thương mại hàng hóa thông suốt và ổn định”.
Với điều kiện lý tưởng của một trung tâm logistics và tâm điểm của vùng kinh tế Bắc Bộ; nằm ở tâm điểm của các nút giao thông cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái và lợi thế từ sân bay Vân Đồn, Cảng Quảng Ninh đang là điểm kết nối quan trọng trong hoạt động vận tải và lưu thông hàng hoá giữa các vùng lân cận. Đây là những điều kiện hàng đầu để khai thác và phát triển dịch vụ hàng hải, trung chuyển hàng hoá từ Cảng Quảng Ninh tới các cảng, cửa khẩu trên toàn miền Bắc
Mới đây, Bộ Công Thương đã được giao phụ trách lĩnh vực dịch vụ logistics theo Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ. Với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hàng năm đạt 14 - 16%, số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao sẽ đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ngành thương mại nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong thời gian tới. Các sản phẩm là thế mạnh trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Trong đó, ngành nông sản và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ đứng trước cơ hội phát triển rất lớn trong thời gian tới.