Từ ngày 15 – 17/4/2018, Phòng cảnh sát môi trường và các cơ quan chức năng đã phát hiện một cơ sở trộn sỏi và nhuộm cà phê bằng pin tại xã Dakwer, huyện Dak Rlấp (Đắk Nông).
Tại hiện trường có nhiều bao nguyên liệu phế phẩm của cà phê và hô tiêu. Đặc biệt phát hiện trong kho có 1 hỗn hợp 21,2 tấn đã ngâm tẩm, nhuộm đen bằng lõi pin được xác định là vỏ cà phê và sỏi đá nhỏ 0,5 – 10mm, dùng cối trộn bê tông trộn hỗn hợp, sau đó sấy khô đóng bao để đưa đi tiêu thụ.
Chế biến cà phê bẩn tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan bị cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện. Ảnh: TTXVN phát |
Theo ông Nguyễn Nam Hải – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, đây là cơ sở thu mua nông sản nhỏ lẻ, chủ yếu thu mua phế phẩm cà phê và hồ tiêu… để cung cấp cho những thương lái thu gom. Không phải là doanh nghiệp cung ứng lớn, không phải hội viên của hiệp hội.
Hàng năm cà phê xuất khẩu khoảng trên dưới 1,6 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 3,2 đến trên 3,4 tỷ USD. Riêng quý 1/2018 đã đạt 1,028 tỷ USD. Cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến thị trường của hơn 80 nước trên thế giới. Trên dưới 20 năm nay Cà phê Việt Nam là nguyên liệu, sản phẩm không thể thiếu của các nhà rang xay, người tiêu thụ trên toàn cầu. |
Tuy nhiên, việc cơ sở chế biến thu mua nông sản ở Đắk Nông trộn lõi pin vào các phế phẩm cà phê đã vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính của Việt Nam.
Ông Hải cho biết, nếu sản phẩm này được đưa đi tiêu thụ để đấu trộn với cà phê rang xay, đấu trộn với nông sản khác, nguyên liệu làm phân giả và mục đích khác… đều rất nguy hiểm đến sức khỏe con người. Vì trong lõi pin chứa nhiều kim loại nặng như: chì, kẽm, asen, thủy ngân.
Vì vậy, sau vụ việc cà phê nhuộm pin, nhiều người tiêu dùng đang hoang mang về việc các doanh nghiệp nhỏ lẻ trộn tạp chất vào cà phê.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, những năm trước đây Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây để nâng cao giá trị gia tăng nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào chế biến sâu: xây dựng hệ thống nhà máy chế biến hiện đại, công suất lớn để tạo ra những sản phẩm cà phê rang xay, hòa tan… để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.
Tiêu thụ nội địa đã tăng mạnh, những năm trước tiêu thụ nội địa từ 5 đến trên 7%, những năm gần đây đã tăng lên: 10 – 12% và phấn đấu ở mức 20 - 30% trong những năm tới.
Cùng với sự tăng trưởng của tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, có nhiều thương hiệu cà phê vẫn ổn định cả quy mô và chất lượng như: Trung Nguyên, Vinacafe Biên Hòa, Nestle, Mê Trang, Thu Hà, Phương Vi…
Ngoài ra, còn có những thương hiệu mới đã phát triển mạnh và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng đã được nâng cao như: công ty Vĩnh Hiệp Gia Lai, công ty Phúc Sinh, công ty TNI, công ty Tín Nghĩa, công ty Intimex…
Các công ty này có kinh nghiệm trong ngành cà phê, được đầu tư lớn và tuân thủ những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành an toàn về vệ sinh thực phẩm, không ảnh hưởng đến môi trường, xã hội, sức khỏe con người được thị trường quốc tế và người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận.
Các sản phẩm nào khi đưa vào sản xuất và tiêu thụ đều phải thực hiện nghiêm chỉnh chấp hành Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia được Quốc hội thông qua là nền tảng pháp lý cho hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với sản phẩm áp dụng. Tiêu chuẩn, quy chuẩn có khái niệm khác nhau nhưng đều tuân thủ nguyên tắc: bảo đảm an toàn vệ sinh, sức khỏe con người, bảo vệ động vật, thực vật cây trồng, môi trường, bảo vệ lợi ích và an toàn quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng.
Để không xảy ra những sự việc đáng tiếc này, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, các cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra các cơ sở doanh nghiệp thu mua chế biến rang xay cà phê, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ. Các doanh nghiệp trong ngành cà phê phải rà soát lại quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm trong tất cả các công đoạn sản xuất nhằm đảm bảo sản phẩm cung cấp ra thị trường.