Sáng ngày 12/4, giá bạc đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2024, đạt 28,75 USD/ounce. Một số nhà phân tích nhận định bạc có thể là một công cụ phòng ngừa lạm phát hiệu quả, thậm chí hơn vàng, nhờ nhu cầu công nghiệp và triển vọng giá tăng.
Chuyên gia Ole Hansen, Giám đốc bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, chia sẻ giá bạc được hưởng lợi từ cả xu hướng tăng của vàng, lẫn đà tăng đầy bất ngờ của kim loại đồng. Mặc dù giá bạc đã có sự biến động đáng kể trong những năm gần đây, nhưng tiềm năng của mặt hàng kim loại này vẫn rất lớn.
Theo các nhà phân tích kỹ thuật tại ngân hàng Bank of American (BoA), giá bạc sẽ sớm vượt qua mốc 30 USD/ounce. Báo cáo kỹ thuật vừa phát hành của BoA chỉ ra rằng các mô hình tăng giá và sự đột phá của đường xu hướng cho thấy giá bạc đã sẵn sàng để bắt kịp đà tăng của vàng.
Thời gian tới, bạc sẽ sớm vượt qua mốc giá cao nhất năm 2021 là 30 USD/ounce và hướng tới mức tăng kỷ lục 61,8%, lên ngưỡng 35,23 USD/ounce.
Chuyên gia Christopher Lewis, nhà phân tích thị trường của cổng thông tin tài chính toàn cầu FXempire, nhận định mặc dù giá bạc có vẻ đang tăng mạnh, nhưng rất khó để duy trì đà tăng liên tục, khi các hoạt động bán khống trở nên phổ biến hơn.
Bên cạnh bạc, các nhà phân tích cũng lưu ý về đà tăng của bạch kim, khi kim loại quý này đã tiến gần ngưỡng kháng cự 1.000 USD/ounce.
Các chuyên gia tại công ty chứng khoán TDS cho biết: “Không giống như các thị trường hàng hóa khác, chuyển động giá trên thị trường bạch kim tiếp tục cho thấy xu hướng tăng. Dự kiến giá của kim loại quý này sẽ sớm vượt qua mức 1.080 USD/ounce, đi theo hiệu ứng tăng của vàng và bạc.
Mặc dù vậy. chuyên gia Hansen của Ngân hàng Saxo tin rằng bạch kim vẫn phải đối mặt với một số trở ngại khi cố gắng thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư.
Trong bản ghi chú phát hành ngày 10/4, ông Hansen nhận định: “Thị trường bạch kim dự kiến sẽ thiếu hụt nguồn cung ngày càng lớn vào năm 2024”. Tuy nhiên, việc thu hút các nhu cầu mới để mở rộng hoạt động khai thác đối với kim loại quý này không phải là điều dễ dàng.
Nhà kinh tế học Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại ngân hàng Commerzbank, nhấn mạnh rằng chênh lệch giá giữa vàng và bạch kim đã đạt mức cao kỷ lục và vàng hiện đắt hơn bạch kim 2,5 lần. Ông lưu ý ngân hàng Đức cũng đã tiến hàng tăng nhẹ giá bán palladium.
Chuyên gia Fritsch nói giá của cả bạch kim và palladium đều có tiềm năng tăng cao, nhờ khoảng cách với giá vàng và tình trạng thắt chặt nguồn cung. Trong tương lai, nhu cầu đối với hai kim loại quý này có thể sẽ được thúc đẩy bởi việc một số ngân hàng trung ương lớn sắp sửa cắt giảm lãi suất và sự phục hồi kinh tế lan rộng trên toàn cầu.