Thưa ông, qua vụ việc của các doanh nghiệp như Khaisilk, Mumuso và gần đây là Con Cưng, ông đánh giá thế nào về vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang diễn ra gần đây?
Gần đây, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam, có tới hơn 99% loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, không có sản phẩm từ Hàn Quốc như hệ thống này quảng cáo. Việc Mumuso sử dụng một số nội dung quảng cáo tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh: “Mumuso; giá chỉ từ 22.000; KOREA”; sử dụng chữ KOREA (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, sản phẩm liên quan đến Hàn Quốc.
Đoàn kiểm tra quản lý thị trường làm việc tại Công ty Cổ phần Con Cưng chiều 30/7. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Còn hệ thống cửa hàng Con Cưng, ngày 25/5/2018, một người tiêu dùng khi mua hàng tại một siêu thị thuộc hệ thống này đã phát hiện hàng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn có ghi xuất xứ từ Thái Lan, đã gửi khiếu nại đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Với sự phối hợp của Tổ kiểm tra liên ngành Bộ Công Thương do Cục Quản lý thị trường chủ trì, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh trong hai ngày 22 và 23/7 đã kiểm tra 70 cửa hàng của hệ thống bán lẻ này. Qua kiểm tra bước đầu tại cửa hàng phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm về nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, trên nhiều trang thương mại điện tử cũng có tình trạng bán hàng giả, hàng nhái. Một số vụ khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Hội như: Một người tiêu dùng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội mua mỹ phẩm qua Facebook với tên gọi Myphamhano tinh dầu hồng môi, khi nhận hàng kiểm tra, phát hiện tem nhãn tinh dầu hồng môi là tem giả được dán đè lên tem tinh dầu trị thâm. Một người tiêu dùng ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh mua hàng trên Facebook Vertu xách tay Singapore một điện thoại di động, khi kiểm tra không đúng như quảng cáo. Một người tiêu dùng ở Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đặt mua xe SH150i ABS 2018 giá 30 triệu trên trang Sendo.vn, sau khi chuyển tiền thì không liên lạc được vì gian hàng trên đã gỡ khỏi mạng...
Qua đây có thể thấy vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay rất đáng lo ngại, gây bức xúc và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Qua vụ việc xảy ra tại các công ty trên, theo ông đâu là những lỗ hổng để nhiều doanh nghiệp lợi dụng, làm ăn phi pháp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng?
Những cách kinh doanh trên đây rõ ràng là lách luật. Cửa hàng, túi đựng hàng được trang trí, giới thiệu quảng cáo gây nhầm lẫn như là cửa hàng bán hàng của Hàn Quốc, Nhật Bản để đánh vào tâm lý người tiêu dùng, nhưng trên sản phẩm vẫn ghi dòng chữ “Made in China” nhưng rất nhỏ, mắt thường rất khó đọc. Gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Phải chăng pháp luật hiện nay chưa có chế tài xử lý hành vi kinh doanh theo kiểu cửa hàng “treo đầu dê bán thịt chó” nhằm gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đó là một lỗ hổng để nhiều người kinh doanh lợi dụng trục lợi.
Nhiều địa chỉ lớn, tin cậy cũng có hành vi làm ăn gian dối. Vậy theo ông, người tiêu dùng cần làm gì khi đi mua hàng hóa?
Theo tôi nghĩ, thời đại thông tin bùng nổ cũng là lợi thế đối với người tiêu dùng, vậy nên tận dụng điều đó. Trường hợp của Mumuso là một ví dụ. Hai đài truyền hình lớn của Hàn Quốc là SBS và MBC đã đặt nghi vấn Mumuso là thương hiệu bán hàng mạo danh Hàn Quốc.
Sau khi lên sóng truyền hình, tin tức đã nhanh chóng lan về Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng vốn là khách hàng của Mumuso cũng không khỏi bất ngờ, đã dừng mua hàng ở đây. Nhiều thương hiệu lớn, khi báo chí phanh phui những hành vi làm ăn gian dối của họ, lập tức bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay.
Mumuso bán hàng Trung Quốc nhưng lại mập mờ xuất xứ là hàng Hàn Quốc. |
Nếu mua hàng trên trang thương mại điện tử thì nên tìm hiểu thông tin trên cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương, tại đây có đăng Danh sách các website thương mại điện tử có vi phạm pháp luật, Danh sách các website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Danh sách thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử. Qua đó tránh mua ở những website thương mại điện tử có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tìm mua ở những website thương mại điện tử có tín nhiệm.
Tóm lại, chúng ta cần tìm hiểu các thông tin có liên quan đến sản phẩm hàng hóa cũng như về tổ chức, cá nhân kinh doanh trước khi mua hàng và sử dụng dịch vụ để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Ở góc độ Hội bảo vệ người tiêu dùng, ông có kiến nghị gì để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?
Tôi nghĩ chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là “cuộc chiến” thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Để nâng cao hiệu quả công tác này, tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để hạn chế đến mức thấp nhất những kẽ hở dẫn đến các hành vi lợi dụng để trục lợi; các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật những hành vi vi phạm.
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có biện pháp chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình, cung cấp cho người tiêu dùng các dấu hiệu nhận biết, trên hết là nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ cho chính uy tín thương hiệu của mình.
Về phía người tiêu dùng, cần tìm hiểu kỹ thông tin để tránh mua phải hàng giả, nói không với hàng giả, dù giá rẻ, kịp thời thông báo cơ quan chức năng khi phát hiện hoặc mua phải hàng giả. Thực tế, vừa qua cũng chính từ thông tin tố giác của người tiêu dùng, nhiều vụ hàng giả đã bị phanh phui.
Xin cám ơn ông!