Trong báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ, IEA, tổ chức có trụ sở tại Paris, cho biết nhu cầu dầu mỏ chỉ tăng 710.000 thùng/ngày trong quý II, mức tăng chậm nhất trong hơn một năm qua. IEA lưu ý tiêu thụ dầu mỏ tại Trung Quốc, vốn là động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, đã giảm cả trong tháng 4 và tháng 5. Nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong quý II cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
IEA cho biết sự sụt giảm gần đây cho thấy sự suy yếu nội tại và một xu hướng chững lại rõ rệt trong ngành sản xuất. IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc trong năm nay, theo đó giảm 0,2 triệu thùng/ngày xuống còn 17 triệu thùng/ngày. Mặc dù con số này sẽ tăng 0,5 triệu thùng/ngày so với năm 2023, nhưng vẫn kém xa mức tăng 1,5 triệu thùng/ngày của năm ngoái.
Cũng theo IEA, việc trở lại trạng thái bình thường như thời trước đại dịch COVID-19 và tăng trưởng yếu cũng sẽ khiến tỷ trọng của Trung Quốc trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu giảm, từ khoảng 70% năm 2023 xuống còn 40% trong năm nay và năm 2025. Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Brazil sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, trong khi mức tiêu thụ của các nền kinh tế phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ giảm.
IEA dự đoán lượng tiêu thụ dầu mỏ trên thế giới sẽ tăng trung bình chưa đến 1 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 2025, do tăng trưởng kinh tế trì trệ, hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn và xu hướng điện khí hóa các phương tiện giao thông sẽ kìm hãm nhu cầu. Cơ quan này đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2024 và năm 2025 lần lượt xuống còn 103,1 triệu thùng/ngày và 104 triệu thùng/ngày.