Trong báo cáo công bố tại hội nghị thường niên cùng với Ngân hàng thế giới (WB) đang diễn ra tại Marrakesh (Maroc), IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 xuống 2,9%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với báo cáo công bố hồi tháng 7.
Cụ thể, IMF đánh giá kinh tế toàn cầu đã cho thấy "sức bền đáng kể" khi vừa tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, vừa khắc phục các ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu.
Theo nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, nền kinh tế toàn cầu đã tránh được kịch bản suy thoái dù phải đương đầu với những cú sốc lớn trong 2-3 năm qua nhưng cũng không thể hiện quá xuất sắc. IMF nhận thấy kinh tế toàn cầu đang "tập tễnh" tiến về phía trước chứ không phải chạy nước rút như được mong chờ. Theo đó, các dự báo nhìn chung đều cho thấy nền kinh tế toàn cầu "hạ cánh mềm" nhưng IMF vẫn quan ngại các nguy cơ liên quan cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, giá cả hàng hóa chưa ổn định, sự phân mảnh về địa chính trị và lạm phát có thể tăng trở lại. Một nguy cơ mới xuất hiện là xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel. Nhà kinh tế trưởng Gourinchas cho biết hiện còn quá sớm để đánh giá về tác động của xung đột với kinh tế toàn cầu, có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra và IMF sẽ đánh gia dựa trên tình hình thực tế.
Triển vọng trong trung hạn cũng không khả quan hơn. IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% trong năm 2028, thấp hơn nhiều so với mức 4,9% dự báo trong khoảng 5 năm mà tổ chức này từng đưa ra ngay trước khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định có nhiều yếu tố bất ổn, sự phân mảnh về địa kinh tế, tăng trưởng sản lượng thấp và triển vọng nhân khẩu học thấp. Tất cả những yếu tố này kéo triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn chậm lại.
Về lạm phát, dù đã giảm mạnh kể từ năm 2022 nhưng IMF dự báo chỉ số này sẽ vẫn ở mức khá cao là 6,9% trong năm 2023, từ mức 8,7% của năm 2022 nhưng vẫn tăng nhẹ so với mức dự báo hồi tháng 7 trong khi năm 2024, lạm phát được dự báo là 5,8%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó. Lạm phát cao có thể buộc các ngân hàng trung ương phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Điều này có thể gây tác động liên hoàn tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. IMF dự báo lạm phát lõi toàn cầu, không tính giá thực phẩm và năng lượng, sẽ giảm đều hơn, xuống 6,3% trong năm 2023 (từ 6,4%) năm 2022 và 5,3% trong năm 2024 trên cơ sở các thị trường lao động vẫn chặt chẽ. Trong bối cảnh này, nhà kinh tế trưởng Gourinchas nêu rõ IMF cảnh báo các nhà quản lý ở các nước chưa vội nới lỏng chính sách tiền tệ.