Tại Diễn đàn Tương lai chiến lược ngân hàng số diễn ra ngày 25/3, bà Nguyễn Thuỳ Dương cho biết: Trong những năm tới, xu hướng số phổ biến của ngân hàng số sẽ diễn ra tại các phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên toàn cầu và trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.
"Khảo sát về hiện trạng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tại Việt Nam mới đây cho thấy, khoảng 47% - 77,7% ngân hàng đã triển khai việc chuyển tiền online; tiết kiệm trực tuyến; thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử; 41,2% kỳ vọng triển khai đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số”, bà Nguyễn Thùy Dương cho biết.
Số hóa ngân hàng đã và đang giúp thay đổi diện mạo của các ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới giúp khách hàng có cơ hội được trải nhiệm dịch vụ; giảm chi phí vận hành. Khi đã thực hiện số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm được từ 60% - 70% chi phí; dịch vụ ngân hàng số được tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.
“Tuy nhiên, sự phát triển và ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng cũng đối mặt với không ít khó khăn, đòi hỏi sự thay đổi về thể chế, vốn đầu tư lớn, về nhân lực ngân hàng để nắm bắt các công nghệ mới; các kỹ năng mới trong ngân hàng - tài chính thời kỳ số hóa; năng lực kiểm soát, xử lý được những rủi ro mới một cách hiệu quả cũng như cả vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính”, ông Phạm Xuân Hòe chia sẻ.
Để các ngân hàng xác định được tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng: Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngân hàng số; sớm xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu Quốc gia để tạo kiện kết nối mở cho các ngân hàng truy xuất theo thẩm quyền được duyệt, có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3. Phía các ngân hàng cần xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể trong việc phát triển ngân hàng số, phân bổ nguồn lực phù hợp để đầu tư cho công nghệ mới.
"Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) có giới hạn; hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số; chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng; quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động ngân hàng số", ông Phạm Xuân Hùng - Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết.