Khối ngoại có tuần bán ròng hàng trăm triệu USD, mạnh nhất từ đầu năm

Sau liên tiếp 2 tuần điều chỉnh giảm, thị trường đã có tuần nỗ lực phục hồi với 3/5 phiên tăng điểm trong tuần qua (từ 28/10 - 1/11).

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Tuy nhiên, VN-Index chốt tuần giao dịch chỉ tăng vỏn vẹn hơn 2 điểm cho thấy áp lực bán gây ra khá nhiều khó khăn đối với nỗ lực hồi phục. Sự thận trọng của nhà đầu tư kéo thanh khoản thị trường sụt giảm sâu trong tuần qua. Cùng đó, khối ngoại cũng bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm. Hệ quả là thị trường gần như đi ngang trong phần lớn thời gian giao dịch.

Áp lực bán vẫn “âm ỉ”

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), thị trường gặp khó quanh ngưỡng MA100 điểm (đường MA100 thường được sử dụng để xác định xu hướng trung hạn và cung cấp tín hiệu giao dịch trong giai đoạn trung bình) đà tăng có xu hướng “hụt hơi” do lực cầu suy yếu. Đỉnh điểm thất vọng được đẩy lên trong phiên giao dịch cuối tuần, khi VN-Index giảm gần 10 điểm gần như xóa tan thành quả tăng điểm trước đó. Áp lực bán vẫn “âm ỉ” trong khi đà hồi phục không có tính lan tỏa và thu hút được dòng tiền khiến thị trường kết thúc tuần gần như “giậm chân tại chỗ”.

Đóng cửa tuần giao dịch từ 28/10 - 1/11, VN-Index ở mức 1,254.89 điểm, tăng 2,17 điểm so với cuối tuần trước đó. Thanh khoản thị trường chạm mức đáy đầu tháng 9, sụt giảm 22,3% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch.

Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE, đạt 575 triệu cổ phiếu (giảm 3,67%), tương đương 15,024 tỷ đồng (giảm 2,51%) so với tuần trước đó.

Toàn sàn có 13/21 nhóm ngành tăng điểm, được đóng góp chính bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (Midcap). Dẫn dắt đà hồi phục của thị trường trong tuần qua là các nhóm ngành như: Công nghệ viễn thông (tăng 2,3%), hóa chất (tăng 1,75%), cảng biển (tăng 1,34%), thủy sản (tăng 1,31%)...

Ở chiều ngược lại, áp lực bán vẫn phủ bóng lên một số nhóm ngành: Hàng tiêu dùng (giảm 5,09%), bất động sản dân cư (giảm 1,9%), dầu khí (giảm 1,3%)...

Khối ngoại có tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm với giá trị giao dịch đạt -7.652 tỷ đồng (tương ứng khoảng 313,7 triệu USD) trên sàn HOSE.

Tâm điểm bán ròng trong tuần qua là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: VIB (5.400 tỷ đồng), MSN (1.953 tỷ đồng), VHM (528 tỷ đồng)...

Ngày giao dịch cuối tuần có thanh khoản khớp lệnh gia tăng, cao nhất trong 5 phiên giao dịch, cộng với đó là biên độ giảm điểm sâu khiến VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Theo CSI, ngưỡng hỗ trợ “khoảng Gap (xảy ra khi giá cổ phiếu tăng hoặc giảm nhanh mà không có bất kỳ hoạt động giao dịch nào ở giữa) tăng điểm của phiên ngày thứ 3 trong tuần” đã bị phá vỡ cho thấy tín hiệu tiêu cực đang chiếm ưu thế hơn.

Khối lượng khớp lệnh trên HOSE của tuần qua sụt giảm so với tuần trước đó tới 19,9% và thanh khoản của các phiên tăng điểm trong tuần không cao, thấp hơn so với các phiên giảm điểm. Vì vậy, áp lực bán chững lại từ tín hiệu kỹ thuật là thiếu tính thuyết phục.

Các chuyên gia từ CSI cho rằng, áp lực bán sẽ còn tiếp diễn sang các phiên trong tuần tới, do đó nhà đầu tư cần tiếp tục thận trọng, hạn chế việc mua mới. CSI kỳ vọng ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.230 điểm sẽ giúp VN-Index có sự đảo chiều tăng điểm trở lại.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, phiên cuối tuần, nhà đầu tư tiếp tục thận trọng khi VN-Index ở vùng 1.265 điểm và suy yếu trở lại. Thanh khoản tăng so với phiên trước đó, nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá thấp, cho thấy dòng tiền đang thận trọng trước áp lực cung từ vùng cản.

VN-Index giảm nhẹ dưới 1.255 điểm cho thấy tác động hỗ trợ tại vùng này đã giảm đáng kể. Có khả năng chỉ số này sẽ tiếp tục lùi bước trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra lại vùng MA 200 (đường trung bình động trong phân tích kỹ thuật, được tính dựa trên giá đóng cửa của chỉ số trong khoảng thời gian 200 ngày gần nhất), quanh 1.250 điểm.

Nếu tác động hỗ trợ tại vùng này vẫn kém, VN-Index có rủi ro lùi về vùng hỗ trợ 1.240 điểm.

Do vậy, nhà đầu tư cần quan sát diễn biến cung cầu tại vùng hỗ trợ để đánh giá lại trạng thái thị trường. Hiện tại cần thận trọng và chờ tín hiệu gia tăng của dòng tiền, đồng thời cần cân nhắc giữ tỷ trọng danh mục ở mức hợp lý để phòng ngừa rủi ro, VDSC khuyến nghị.

Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong phiên cuối tuần, các quỹ đầu tư theo các rổ chỉ số VNDiamond, VN30, VNFinlead thực hiện hoạt động tái cơ cấu danh mục quý IV/2024. Hoạt động cơ cấu này có thể đã tạo ra biến động mạnh cho thị trường ở giai đoạn cuối phiên.

Trong giai đoạn hiện tại, VN-Index sẽ tiếp tục được nâng đỡ bởi đường MA200, tương ứng vùng 1250 - 1255 điểm. Rủi ro xuyên thủng vùng hỗ trợ này đã giảm đi đáng kể, tuy nhiên chỉ số có thể sẽ cần thời gian tích lũy bên trên đường MA200 để củng cố thêm độ vững chắc cho vùng hỗ trợ này, trước khi hình thành chuyển động tăng giá trở lại.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến ảm đạm trong bối cảnh tuần qua, chứng khoán thế giới đi xuống.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau những số liệu kinh tế trái chiều

Cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm trong tuần qua, với chỉ số S&P 500 giảm 1,%, chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,51% và chỉ số Dow Jones giảm 0,16%.

Chiến lược gia về đầu tư tại công ty nghiên cứu đầu tư CFRA Research, Sam Stovall, cho rằng các báo cáo lợi nhuận quý III, lãi suất và bầu cử tiếp tục là những yếu tố có tác động chính đến thị trường trong những phiên tới.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán phần lớn giảm điểm trong phiên 1/11, theo sau đà giảm trên thị trường chứng khoán toàn cầu do kết quả kinh doanh kém khả quan của các công ty công nghệ và tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khi cuộc bầu cử Mỹ đầy căng thẳng chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là diễn ra.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 2,6% xuống .053,67 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8% lên 20.471,62 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,2% xuống 3.272,01 điểm, sau khi thị trường Trung Quốc đại lục tăng điểm mạnh hôm 31/10, nhờ lĩnh vực sản xuất tăng trưởng vượt dự báo.

Chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) giảm điểm khi các thị trường mở cửa trở lại sau khi một trong những cơn bão lớn nhất đổ bộ vào hòn đảo này trong nhiều thập kỷ khiến ít nhất hai người thiệt mạng, gây ra lũ lụt và sạt lở đất, đồng thời buộc các trường học và văn phòng phải đóng cửa. Chứng khoán Seoul, Sydney, Wellington, Singapore, Jakarta, Manila và Bangkok đều giảm, trong khi chứng khoán Kuala Lumpur tăng.

Các nhà phân tích đang theo dõi sự tăng lên của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, với kỳ vọng Fed có thể giảm tốc độ hạ lãi suất trong bối cảnh dữ liệu kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn khả quan.

Chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Mỹ hôm 5/11 tới, dữ liệu cho thấy thước đo lạm phát ưa thích của Fed là Chỉ số chỉ tiêu cá nhân (PCE) đã tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 9/2024 và hiện chỉ cao hơn một chút so với mục tiêu dài hạn 2% của ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, những con số này đã không thể thúc đẩy tâm lý lạc quan cả nhà đầu tư, dù cho đó là dấu hiệu khả quan cho việc giảm lạm phát trong tương lai.

Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong năm nay vào cuối cuộc họp chính sách vào tuần tới (6 - 7/11), sau lần cắt giảm trong tháng 9/2024. Chi phí sinh hoạt tại Mỹ là một vấn đề quan trọng trong cuộc đua tranh cử giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu mới về việc làm, một vấn đề quan trọng khác đối với cử tri Mỹ. Hãng Bloomberg đưa tin, báo cáo việc làm của Mỹ dự kiến sẽ cho thấy có thêm 100.000 việc làm được tạo ra trong tháng 10/2024.

Văn Giáp (TTXVN)
Thị trường chứng khoán vẫn ảm đạm, khối ngoại tiếp tục bán ròng
Thị trường chứng khoán vẫn ảm đạm, khối ngoại tiếp tục bán ròng

Thị trường chứng khoán phiên hôm nay (30/10) diễn biến ảm đạm, thanh khoản đi xuống và VN-Index chốt phiên trong sắc đỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN