Khoảng 14 giờ 18 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.974,20 USD/ounce và giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,4% xuống 1.986,30 USD/ounce.
Giá vàng đã chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 5/2023 hôm 20/10 và tăng khoảng 9% trong hai tuần qua khi các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn của vàng do lo ngại rằng xung đột Israel-Hamas có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông.
Số liệu công bố ngày 20/10 cũng cho thấy tâm lý nhà đầu tư đối với vàng, các nhà đầu cơ vàng trên sàn COMEX đã chuyển sang vị thế mua ròng 41.867 hợp đồng trong tuần tính đến ngày 17/10.
Các nhà phân tích tại công ty chứng khoán TD Securities cho biết có khả năng vàng sẽ có xu hướng giảm do lãi suất cao trong thời gian dài hơn và đồng USD mạnh.
Ngoài vấn đề địa chính trị, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), số liệu GDP quý III của Mỹ, quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) toàn cầu để tìm manh mối về tình trạng sức khỏe của nền kinh tế thế giới.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,7% xuống 23,19 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 0,4% xuống 891,21 USD/ounce và giá palladium giảm 0,7% xuống 1.089,95 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào lúc 16 giờ 34 phút ngày 23/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 70,10 - 70,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tình hình tại Dải Gaza đẩy giá dầu đi xuống
Giá dầu giảm khoảng 1 USD/thùng trong phiên 23/10 do những lo ngại về việc nguồn cung gián đoạn giảm xuống nhờ những nỗ lực ngoại giao ngày càng tăng nhằm kiềm chế cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.
Khoảng 133 giờ 28 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giảm 67 xu Mỹ xuống 91,49 USD/thùng, sau khi giảm 1,08 USD xuống 91,08 USD/thùng lúc đầu phiên. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 82 xu xuống 87,26 USD/thùng, sau khi giảm 1,72 USD xuống 87,03 USD/thùng trước đó.
Giá hai loại dầu chủ chốt này đã tăng hơn 1% trong tuần trước đó và là tuần tăng giá thứ hai liên tiếp do lo sợ nguy cơ gián đoạn nguồn cung nếu căng thẳng giữa Israel và Hamas lan rộng ra khu vực Trung Đông, nơi cung cấp dầu lớn nhất thế giới.
Các tổ chức từ thiện đã từ Ai Cập tới Dải Gaza vào cuối tuần, khi cuộc gặp của các nhà lãnh đạo và bộ trưởng ngoại giao các nước Arab nhóm họp tại Cairo đã không ra được tuyên bố chung.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu ANZ Research nhận định xung đột sẽ không lan rộng và làm gián đoạn nguồn cung.
Để làm giảm sức ép nguồn cung dầu vốn đã thắt chặt sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh cắt giảm sản lượng, Mỹ đã dừng các biện pháp trừng phạt nhằm vào thành viên của OPEC là Venezuela.
Chứng khoán châu Á giảm điểm
Cùng ngày, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại xung đột Israel – Hamas có thể xấu đi. Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,83% (259,81 điểm) xuống 30.999,55 điểm.
Công ty chứng khoán IwaiCosmo Securities cho biết thị trường Tokyo đã “nối gót” phố Wall hôm 20/10, nơi “ba chỉ số chính trượt dốc do thận trọng trước sự leo thang ở Trung Đông và triển vọng thắt chặt tiền tệ kéo dài”.
Trong khi đó, việc bán trái phiếu Chính phủ Nhật Bản tăng mạnh, lãi suất dài hạn chạm mức 0,855%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2013.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải khép phiên với mức giảm lớn khi các nhà đầu tư chờ đợi các biện pháp mới từ Chính phủ Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế. Chỉ số Shanghai Composite giảm 1,47% (43,77 điểm) xuống 2.939,29 điểm. Thị trường Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 14,5 điểm (1,31%) xuống 1.093,53 điểm, chỉ số HNX-Index giảm 2,19 điểm (0,96%) xuống 226,26 điểm.