Sức mạnh của đồng USD
Biên bản cuộc họp ngày 17-18/12/2024 của các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy họ dự kiến giảm tốc độ cắt giảm lãi suất trong năm 2025, do lo ngại lạm phát liên tục tăng cao và các thay đổi chính sách tiềm ẩn khác. Lãi suất tương đối cao sẽ tạo đà bật tăng cho đồng USD.
Kể từ khi ông Trump thắng cử vào tháng 11 năm ngoái, đồng USD đã kéo dài đợt tăng giá. Chỉ số USD (DXY) đã tăng đáng kể khoảng 8% trong quý cuối cùng của năm 2024, từ mức khoảng 100 vào đầu tháng 10/2024 lên mức hiện tại là khoảng 108.
Về mặt chính sách, chính quyền Trump 2.0 sắp tới có khả năng sẽ kéo dài cắt giảm thuế và tăng cường thuế quan thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico... Điều này sẽ dẫn đến tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ tại Mỹ.
Kênh CNA (Singapore) phân tích rằng việc Mỹ tăng thuế quan theo từng giai đoạn có thể góp thêm 0,3 điểm phần trăm trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2025. Tuy nhiên, trong kịch bản bi quan hơn, việc tăng thuế quan ngay lập tức sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1, có thể khiến CPI của Mỹ tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm.
Tóm lại, các chính sách của ông Trump có thể tái bùng phát lạm phát ở Mỹ. Điều này gây đình trệ cho tiến trình hướng tới mục tiêu giữ lạm phát dài hạn 2% của Fed. Do đó, rủi ro lạm phát gia tăng đồng nghĩa với Fed “giảm tốc” hạ lãi suất vào năm 2025.
Dự báo cập nhật của Fed hiện chỉ ngụ ý hai lần cắt giảm lãi suất cho năm 2025, ít hơn so với dự báo trước đó là 4 lần. Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng "tốc độ cắt giảm dự kiến chậm hơn... phản ánh dự đoán về lạm phát cao".
Triển vọng của nhân dân tệ
Đối với Trung Quốc, triển vọng kinh tế năm 2025 vẫn chưa tươi sáng. Bất chấp gói kích thích khổng lồ từ tháng 9/2025, quá trình tái cấu trúc nợ trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức bởi tiêu dùng bán lẻ trong nước vẫn chưa tăng đáng kể.
Các nhà kinh tế học còn quan ngại về mức thuế quan thương mại ông Trump sắp áp dụng đối với Trung Quốc. Do đó, CNA hạ dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2025 xuống 0,3 điểm phần trăm còn 4,3%.
Nhận thấy những khó khăn đang đeo bám nền kinh tế Trung Quốc, các nhà chức trách gợi ý rằng Bắc Kinh cần theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, CNA dự kiến đồng nhân dân tệ (NDT) sẽ tiếp tục suy yếu so với USD, từ mức 7,3 NDT/USD hiện tại xuống còn 7,6 NDT/USD vào quý 3/2025.
Các đồng tiền Đông Nam Á
Vào năm 2025, kinh tế các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ chịu ảnh hưởng từ mức thuế quan sắp áp dụng của Mỹ và tình hình kinh tế Trung Quốc.
Dưới thời nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi mức thuế tăng cao được áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu năm 2018, xuất khẩu của ASEAN đã giảm trong hai năm tiếp theo. Do tầm quan trọng của thương mại đối với ASEAN, sự sụt giảm trong xuất khẩu dẫn đến suy yếu của đồng tiền nội tệ.
Lịch sử có khả năng lặp lại vào năm 2025. Do đó, CNA dự đoán trong năm 2025, các đồng nội tệ của ASEAN có thể rơi vào tình trạng suy yếu, bao gồm đồng ringgit Malaysia, đồng baht Thái Lan, đồng rupiah Indonesia, đồng đô la Singapore.
Trong kịch bản đồng NDT tiếp tục suy yếu về mức 8,0 NDT/USD, nó có thể gây ra đợt phá giá đồng tiền trên khắp ASEAN.
Tuy nhiên, có một số gam màu sáng về kinh tế có thể trông đợi cho ASEAN trong năm 2025. Những điểm tích cực này bao gồm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ từ Mỹ và Trung Quốc vào ASEAN, thương mại nội khối mạnh mẽ, mức dự trữ kỷ lục của ngân hàng trung ương, chi tiêu nội địa và du lịch khu vực sôi động.
Các đồng tiền trong ASEAN có thể suy yếu vào năm 2025, nhưng có hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa phong phú để giảm thiểu mọi biến động gây gián đoạn, đồng thời củng cố vị thế trú ẩn an toàn của các nền kinh tế khu vực.
Nhìn chung, bối cảnh toàn cầu năm 2025 là đồng USD mạnh hơn, trong khi đồng NDT có rủi ro tiếp tục suy yếu. Do đó, đồng đô la Singapore cùng với nhiều đồng tiền trong ASEAN đang chuẩn bị cho kịch bản suy yếu trong suốt năm 2025. Trước rủi ro và biến động gia tăng năm 2025, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đều nên phòng ngừa trước sức mạnh của đồng USD và hạn chế vay bằng đồng tiền này.