Hiện nhiều đồn đoán nghiêng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hoàn tất chiến dịch thắt chặt tiền tệ, điều này giúp gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Đóng cửa phiên cuối tuần 18/11, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,95 - 70,77 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 69,95 - 70,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 70 - 70,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên trước đó.
Trước đó, giá vàng trong nước liên tục đảo chiều tăng - giảm từ đầu tuần 13/11 đến cuối tuần, với biên độ từ 100 - 300 nghìn đồng/lượng. Với mức giao dịch này, tính chung tuần qua, giá vàng trong nước tăng 550 nghìn đồng/lượng, tương đương 0,8% giá trị. Cùng lúc, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới tăng khoảng 2,2%.
Thị trường đang đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất vào tháng 5/2024, khi các dữ liệu cho thấy lạm phát đang giảm tốc.
Lãi suất thấp hơn gây áp lực giảm giá đối với đồng USD và lợi suất trái phiếu, qua đó gia tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Trên thị trường vàng vật chất, người mua ở Ấn Độ bất chấp mức giá trong nước cao kỷ lục và vẫn đẩy mạnh mua vàng trong lễ hội ánh sáng Diwali tại nước này.