Các nhà đầu tư trong nước trở nên thận trọng, trong khi nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng. Tuy vậy, áp lực tỷ giá lần này chỉ là tạm thời, cùng với đó thị trường cũng sẽ tiếp tục có thêm thông tin hỗ trợ qua đó hỗ trợ mặt bằng định giá của thị trường.
VN-Index về mức thấp nhất trong hơn 1 tháng
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Việt Nam (CSI) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần giao dịch ảm đạm do tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng lớn bởi câu chuyện tỷ giá tăng nóng trong thời gian trở lại đây.
Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức cũng có những hành động quyết liệt như phát hành tín phiếu hay thậm chí bán USD giao ngay trong thông báo mới nhất hôm 24/10.
Cùng đó là áp lực rút ròng của khối ngoại tăng mạnh kể từ đầu tháng 10 kéo chỉ số VN-Index từ vùng 1.290 điểm về mức thấp nhất trong hơn 1 tháng trở lại đây.
Áp lực bán hoàn toàn áp đảo trong tuần qua, với 4/5 phiên điều chỉnh và diễn ra ở hầu hết các nhóm ngành; trong đó, nhóm vốn hóa như ngân hàng, bất động sản gây áp lực lớn lên thị trường, chỉ số VN30 “bốc hơi” 37,15 điểm.
Đóng cửa tuần giao dịch từ 21 - 25/10, VN-Index ở mức 1.252,72 điểm, giảm 32,74 điểm so với cuối tuần trước đó.
Điểm sáng trong tuần qua là áp lực bán không quá lớn, thanh khoản khớp lệnh sụt giảm 6% so với mức bình quân 20 tuần giao dịch.
Lũy kế đến cuối tuần giao dịch, thanh khoản giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 596 triệu cổ phiếu (giảm 5,85%), tương đương 15.409 tỷ đồng (giảm 2,55%).
Thị trường chìm trong sắc đỏ với 20/21 nhóm ngành điều chỉnh; trong đó, gây áp lực lớn lên thị trường và tâm lý giao dịch tuần vừa qua là các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp giảm 6,16%, hàng tiêu dùng giảm 4,84%, hóa chất giảm 4,5%, chứng khoán giảm 4,16%...
Ở chiều ngược lại, hàng không tăng 0,66%, đây cũng là nhóm ngành duy nhất ngược dòng thị trường thành công.
Khối ngoại tuần qua có tới 4/5 phiên bán ròng. Lũy kế cả tuần qua, nhóm nhà đầu tư ngoại bán ròng 1.046 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Tâm điểm bán ròng của khối ngoại trong tuần qua là cổ phiếu HPG (302 tỷ đồng), quỹ chỉ số FUEVFVND (211 tỷ đồng), MSN (188 tỷ đồng)...
CSI nhận định, áp lực bán khả năng còn tiếp diễn trong tuần với ngưỡng hỗ trợ tại mốc 1.230 điểm sẽ giúp VN-Index có sự hồi phục trở lại.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) nhìn nhận, thị trường trải qua tuần giảm điểm mạnh trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước áp lực tỷ giá gia tăng buộc Ngân hàng Nhà nước phải có những động thái đối phó như quay trở lại phát hành tín phiếu sau hơn 2 tháng tạm dừng, nhằm hút thanh khoản dư thừa trên hệ thống.
Động thái này đã kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng lên và kéo giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD để hỗ trợ tỷ giá. Điều này khá tương đồng với giai đoạn thị trường điều chỉnh và đi ngang trong giai đoạn tháng 6 - tháng 7.
Tuy vậy, VNDirect cho rằng áp lực tỷ giá lần này chỉ là tạm thời do kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, từ đó gây áp lực điều chỉnh lên đồng USD. Cụ thể, thị trường vẫn đang kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong 2 cuộc họp vào tháng 11 và tháng 12 tới.
Đồng thời, thị trường cũng sẽ tiếp tục ghi nhận thêm kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết trong tuần tới, với kỳ vọng về bức tranh chung theo chiều hướng khả quan, qua đó hỗ trợ mặt bằng định giá của thị trường.
Với những yếu tố kể trên, VNDirect kỳ vọng thị trường sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi chỉ số VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240-1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), diễn biến giảm khi chỉ số lên gần mốc 1.300 điểm có lẽ đã trở nên quen thuộc với nhà đầu tư trong năm nay, tuy nhiên trong từng nhịp giảm VN-Index thường tạo ra biến động khó dự báo với các chuỗi giảm liên tục.
Mốc 1.250 điểm hiện tại là vùng hỗ trợ được đánh giá cao khi trong năm nay, VN-Index đã có 2 lần kiểm định mốc này và đều thành công hồi phục trở lại sau đó.
Nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến kiểm định mốc này trong tuần sau, nhưng cần lưu ý việc thanh khoản thị trường hiện đang duy trì mức thấp, do đó cần chú trọng việc quản trị rủi ro tài khoản.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều.
Chứng khoán thế giới trái chiều
Trong tuần qua, tại thị trường chứng khoán Mỹ, Nasdaq là chỉ số duy nhất tăng điểm, với mức tăng 0,16%, trong khi S&P 500 giảm 0,96% và Dow Jones giảm mạnh 2,%.
Trong những tuần tới, thị trường chứng khoán có thể sẽ có nhiều biến động khi các nhà đầu tư xem xét kỹ lưỡng báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp, các số liệu kinh tế mới và kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống, sau đó là cuộc họp của Fed. Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đang nhận định có 89,6% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 11 tới.
Tuần sau được xem là thời điểm then chốt khi các công ty công nghệ lớn, bao gồm Alphabet, Apple và Microsoft, sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III, cùng với báo cáo việc làm tháng 10/2024 của Mỹ.
Thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều kết thúc phiên giao dịch 25/10 sau khi Phố Wall hoan nghênh kết quả kinh doanh tốt từ gã khổng lồ xe điện Tesla.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,6% xuống 37.913,92 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,5% lên 20.588,57 điểm, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,6% lên 3.299,70 điểm.
Thị trường Đài Bắc, Seoul, Sydney, Bangkok và Manila cũng tăng điểm, nhưng Singapore và Jakarta giảm điểm, trong khi Wellington đi ngang.
Chuyên gia Stephen Innes của SPI Asset Management cho biết, những diễn biến khó lường về cuộc bầu cử ở Nhật Bản vào cuối tuần này và cuộc họp chính sách sắp tới của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 31/10 là những yếu tố chi phối thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang phục hồi sau khi giảm ngày hôm trước do sự phục hồi doanh số bán bất động sản. Điều này đã thúc đẩy sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế của nước này.