Khách hàng giao dịch tại BAOVIETBank chi nhánh Bình Dương. Ảnh: Trần Việ/TTXVN |
Theo kết quả điều tra này, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước có bình quân kỳ vọng giảm đối với cả lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi (0,06-0,15%), nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn có bình quân kỳ vọng lãi suất cho vay giảm mạnh nhất (-0,45%) và lãi suất tiền gửi tăng cao nhất (+0,57%).
Nhận định về mặt bằng lãi suất trong năm 2017 so với cuối năm 2016, báo cáo từ Vụ Dự báo, thống kê – Ngân hàng Nhà nước cho biết, cả 2 nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn và nhỏ đều có bình quân kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm tương ứng là 0,09% và 0,03%. Bình quân toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất được kỳ vọng giảm 0,22% đối với lãi suất cho vay và tăng 0,17% đối với lãi suất tiền gửi trong Quý IV/2017.
Nhìn chung, các tổ chức tín dụng tiếp tục vững tin về triển vọng của nền kinh tế trong năm 2017, các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2017 tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ tích cực việc tiếp cận nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp và đồng thời hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng; qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt được mục tiêu đề ra.
Về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2017, kết quả điều tra cũng cho thấy, có tới 89% các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016 với mức tăng trưởng toàn hệ thống bình quân kỳ vọng đạt 13,63%, điều chỉnh tăng nhẹ so với kỳ vọng tại cuộc điều tra tháng 6/2017 (13,22%). Trong đó, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ kỳ vọng tăng 18,53%, thu nhập ròng từ hoạt động tự doanh dự kiến tăng 9,76%.
Mức độ lành mạnh của các nhóm khách hàng tiếp tục được duy trì ổn định với 79,1% tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể hiện đang ở mức bình thường, 13,2% tổ chức tín dụng nhận định rủi ro ở mức “thấp” và chỉ có 7,7% tổ chức tín dụng lo ngại rủi ro còn ở mức “cao” (khá tương đồng với kết quả điều tra ghi nhận tại thời điểm cuối Quý II/2017: 79%; 14%; 7%).
Dự báo cho cả năm 2017 có 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng rủi ro của các nhóm khách hàng tiếp tục “ổn định” hoặc “giảm” so với năm 2016, mặc dù vẫn còn 17,4% tổ chức tín dụng lo ngại rủi ro các nhóm khách hàng có thể “tăng” nhưng tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 24% của kỳ điều tra trước.
Đánh giá tổng thể năm 2017, 70,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có sự gia tăng so với năm 2016, (trong đó 10,1% nhận định “tăng mạnh” và 52,8% “tăng nhẹ”) – cao hơn so với 62,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tại kỳ báo cáo trước; trong đó đa số các tổ chức tín dụng tiếp tục kỳ vọng mạnh mẽ vào sự phục hồi của nhu cầu vay vốn (70,65% tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng; trong đó 10,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng “tăng mạnh”), nhu cầu tiền gửi tiết kiệm và dịch vụ thanh toán cũng được 52-56% tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng.
Cũng trong quý cuối năm, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn, bình quân đạt 5,32% trong Quý IV/2017 (tăng nhẹ so với mức kỳ vọng 5,2% và tăng cao so với mức tăng thực tế 3,74% của cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức kỳ vọng tăng 4,7% của quý trước) và tăng 16,03% trong cả năm 2017 (giữ nguyên so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước nhưng thấp hơn mức tăng thực tế 17,84% của năm 2016)…
Báo cáo điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng ghi nhận dự báo của các tổ chức tín dụng về thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt và được cải thiện, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Theo đó, có 85% tổ chức tín dụng nhận định thanh khoản của đơn vị mình ở trạng thái “tốt” đối với cả VND và ngoại tệ, 12% nhận định thanh khoản ở trạng thái “ổn định”. Tính đến cuối năm 2017 so với cuối năm 2016, có 56% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình thanh khoản của họ được cải thiện ở cả VND và ngoại tệ; trong đó 16% tổ chức tín dụng kỳ vọng “cải thiện nhiều” và 39% tổ chức tín dụng nhận định tình hình thanh khoản của đơn vị “ổn định”.
Mặc dù Nghị quyết 42/2017/QH về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/8 nhưng có gần 90% tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đơn vị trong Quý III/2017 không đổi hoặc giảm nhẹ so với Quý II/2017 và trên 90% tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giữ nguyên không đổi hoặc tiếp tục giảm trong Quý IV/2017.
Tuy nhiên, tại cuộc điều tra quý này, số tổ chức tín dụng nhận định và kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu “giảm nhẹ” và “giảm mạnh” tăng lên đáng kể so với cuộc điều tra quý trước. Tính đến cuối năm 2017, các tổ chức tín dụng ước tính tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân của toàn hệ thống tổ chức tín dụng ở mức 2,83%.
Kết quả điều tra cũng chỉ rõ, huy động vốn và tín dụng được kỳ vọng tăng tốc trong quý cuối năm. Cụ thể, huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn trong quý cuối năm, bình quân kỳ vọng đạt 5,32% trong Quý IV/2017 (tăng nhẹ so với mức kỳ vọng 5,2% và tăng cao so với mức tăng thực tế 3,74% của cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức kỳ vọng tăng 4,7% của quý trước). Mức này tăng 16,03% trong cả năm 2017 (giữ nguyên so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước nhưng thấp hơn mức tăng thực tế 17,84% của năm 2016).
Dư nợ tín dụng cho nền kinh tế cũng được kỳ vọng tăng tốc trong quý cuối năm, bình quân kỳ vọng tăng trưởng 6,07% trong Quý IV/2017 (cao hơn mức tăng thực tế 5,91% của Quý IV/2016 và mức tăng kỳ vọng 5,09% của quý trước). Mức này tăng 17,02% trong năm 2017 (cao hơn so với mức kỳ vọng 16,3% ghi nhận tại kỳ điều tra trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng thực tế 18,25% của năm 2016).