Những ngày cận Tết, người dân và du khách đến đây sẽ bắt gặp những hình ảnh vàng óng xen lẫn đỏ au của những giàn phơi hương lộ thiên dọc hai bên đường Mai Bá Hương. Thậm chí, khi đi dọc các con đường nhỏ dẫn vào làng nghề, mùi hương quế, hương trầm cũng quấn lấy chúng tôi… Cả một khu vực rộng với đầy màu sắc và hương thơm, khiến người ta không khỏi nôn nao một cảm giác Xuân tới.
Một hộ sản xuất hương tại đây cho biết, đầu tháng 1 là giai đoạn cao điểm chuẩn bị hương cung ứng dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng, vì vậy gia đình nào cũng tất bật.
Theo các cụ cao tuổi ở xã Lê Minh Xuân, nghề làm hương ở đây có tuổi đời gần 100 năm và làm quanh năm, nhưng náo nhiệt và tất bật nhất có lẽ là vào các tháng Giêng, tháng 7, tháng 10 âm lịch và đặc biệt là cận Tết Nguyên đán. Ở làng nghề này, cứ khoảng 2 – 3 hộ gia đình thì có một hộ mưu sinh bằng nghề làm hương truyền thống.
Hiện nay, làng có hơn 350 hộ sản xuất hương. Là người có truyền thống sản xuất hương lâu đời, ông Huỳnh Văn Tính, ngụ B1/5A Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân, cho biết, ông không biết gia đình khởi nguồn nghề làm hương từ khi nào, mà chỉ nhớ lúc nhỏ đã thấy cha mẹ làm hương ngày đêm. Sau này lớn lên, ông cũng tiếp tục nối nghiệp làm nghề cho đến nay.
“Những năm trước, người dân ở đây làm hương bằng cách se tay thủ công, cây hương thành phẩm không đẹp, năng suất thấp. Gần đây, máy móc hiện đại ra đời được người dân áp dụng nên cây hương đẹp và năng suất cao hơn. Mọi thứ từ vật liệu đến công đoạn sản xuất đều do máy làm, con người chỉ việc đem hương đi phơi nắng và chia thành bó để đóng gói”, ông Tính cho hay.
Được xem là địa chỉ làm hương khá lớn ở xã Lê Minh Xuân, cơ sở của chị Lê Thúy đang có khoảng 80 nhân công làm việc. Mỗi ngày cơ sở của chị cho ra gần một tấn hương để đi bỏ mối khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc. “Nghề này hoạt động quanh năm, nhưng rầm rộ hơn vào dịp gần Tết. Hàng nhiều và giá bán được hơn nên mọi người dân ở đây đều tranh thủ làm thêm để kiếm thêm thu nhập ănTết nguyên đán”, chị Thúy cho biết.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở làm hương lớn nhất của xã cho ra lò từ 3.000 – 4.000 thiên hương (1.000 cây/thiên), cơ sở nhỏ hơn từ 100 - 500 thiên, bỏ mối khắp các tỉnh thành trong cả nước và còn đi xuất khẩu ở các nước như: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Lào…
Mỗi nén hương là sự hòa trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau. Tất cả nguyên liệu đó đều có nguồn gốc tự nhiên. Bột hương chủ yếu làm từ mùn cưa của thân cây bầu dó hoặc là cây lồng mứt. Bột hương đạt tiêu chuẩn phải mịn, độ ẩm vừa phải. Khâu trộn màu và ướp hương cho câyhương là quan trọng nhất nên cũng phải dùng nguyên liệu đạt chuẩn. Sau khi trộn, người thợ sẽ dùng chất keo của vỏ cây bời lời kết dính bột hương rồi mang đi se. Sau công đoạn se hương là mang hương phơi khô, đếm số lượng và đóng gói để đem đi giao cho các mối, thương lái.
Anh Lê Văn Minh (ngụ ở quận 3, TP Hồ Chí Minh), một thương lái chuyên lấy hương ở xã Lê Minh Xuân đem đi bỏ mối tại các tiệm bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết, mỗi hộ làm hương có một cách chế tạo ra mùi khác nhau. Có hộ chuyên làm hương trầm, có hộ chuyên làm hương quế… tuy nhiên, tất cả các cây hương của làng nghề đều có mùi thơm dễ chịu, tốc độ cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe nên rất được khách hàng ưa chuộng.