Viện Quản lý Nguồn Cung (ISM) cho biết Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo đã tăng từ 47,8 trong tháng Hai lên 50,3 trong tháng Ba, mức cao kỷ lục và lần đầu tiên vượt trên 50 kể từ tháng 9/2022. Đây là dấu hiệu cho thấy lĩnh vực sản xuất, vốn bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao hơn, đang phục hồi.
Chiến lược gia Keith Lerner tại công ty quản lý tài sản Truist Wealth nhận định nếu nền kinh tế tiếp tục đánh đi tín hiệu mạnh mẽ và số liệu PMI cao hơn, lợi suất trái phiếu sẽ tăng lên. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm và hai năm đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần sau số liệu về hoạt động chế tạo.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 240,52 điểm (0,60%) xuống 39.566,85 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,58 điểm (0,20%) xuống 5.243,77 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 17,37 điểm (0,11%) lên 16.396,83 điểm.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường dự kiến có 58% cơ hội Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, giảm so với mức khoảng 64% một tuần trước.
Ông Lerner bày tỏ mong muốn về một nền kinh tế mạnh hơn với ít lần cắt giảm lãi suất hơn là một nền kinh tế yếu hơn với nhiều lần cắt giảm lãi suất hơn. Theo ông Lerner, trên cơ sở ngắn hạn, thị trường dự kiến sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất.
Các quan chức cao cấp của Fed, trong đó có Thống đốc Christopher Waller và Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic cho biết ưu tiên của họ là cắt giảm lãi suất ít hơn ba lần trong năm nay.
Các nhà đầu tư sẽ có thông tin rõ ràng hơn về quan điểm của Fed trong tuần này, khi 13 trong số 19 quan chức của cơ quan này sẽ đưa ra nhận định về chính sách tiền tệ của cơ quan này. Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ đợi báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ dự kiến công bố ngày 5/4.