Liên quan đến vụ việc trên, ngày 8/12, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong các loại hình vận tải thì xe “ôm” công nghệ, taxi công nghệ là loại hình mới mà hệ thống pháp luật đang dần dần từng bước hoàn chỉnh nên việc phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan là có thể xảy ra.
Thời gian gần đây, các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế của loại hình xe công nghệ này có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 5/12, mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.
Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của lái xe sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, lái xe nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, lái xe sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Bản chất của thuế GTGT là thu của người tiêu dùng, doanh nghiệp vận tải tăng vào giá cước để thu của người tiêu dùng nộp cho Nhà nước chứ không phải là thuế mà doanh nghiệp phải nộp.
“Với taxi công nghệ, lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn thuế GTGT được tính vào giá thì khách hàng phải nộp. Tuy nhiên, việc xác định thuế GTGT sẽ làm tăng giá cước phí. Theo một số lái xe, họ phải thu nộp về công ty đến 20%, thậm chí đến 30 % thuế GTGT chứ không phải 10% như quy định. Chính vì vậy một số lái xe đã phản đối chính sách của hãng xe công nghệ này", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp các lái xe công nghệ không đồng ý với chính sách mới của doanh nghiệp thì có quyền thể hiện thái độ, nêu ý kiến của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng. Trường hợp các lái xe quá khích tập trung đông người hò hét, đập phá, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông, đại diện Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Còn trường hợp những người lái xe phản đối một cách "có trật tự", có kỷ luật không ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì vấn đề này pháp luật cho phép.
Lý giải về việc tiếp tục tăng chiết khấu lên 30% khiến lái xe phản ứng gay gắt, đại diện Grab cho biết: Từ đầu tháng 12/2020, Grab Việt Nam điều chỉnh cước phí cơ bản một số dịch vụ Grab trên toàn quốc. "Việc điều chỉnh này nhằm tái đầu tư vào các sáng kiến mới, giúp nghiên cứu mang lại nhiều tiện ích mới cho khách hàng trong tương lai, đảm bảo cơ hội thu nhập của đối tác tài xế trước tình hình giá cả thị trường có nhiều biến động trong những năm qua; đồng thời duy trì tính cạnh tranh của dịch vụ Grab", đại diện Grab nói.
Hiện, hãng áp dụng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe bao gồm hoa hồng trả cho hãng, 10% thuế VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân của tài xế. Mức này tăng từ 20 - 25% lên 27,273 - 32,841% (tùy theo hợp đồng hợp tác 2 bên). Tuy nhiên, Grab cho biết, vẫn giữ nguyên mức hoa hồng, việc tăng khấu trừ là ở phần tăng thuế VAT theo Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12.
Theo đó, cách tính thuế VAT đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như: Grab, Go-Jek... hay còn gọi là đơn vị hợp tác cá nhân kinh doanh, sẽ thay đổi. Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) khẳng định: Việc tính thuế VAT 10% trên tổng doanh thu áp dụng cho cả hai loại hình gọi xe công nghệ gồm taxi và xe máy. Với dịch vụ giao đồ ăn và giao hàng, cơ quan thuế sẽ xem xét cách tính thuế khác, tuỳ vào từng trường hợp và dòng tiền cụ thể do việc hợp tác còn liên quan đến đơn vị thứ ba. Lý giải về cách tính thuế mới, bà Tạ Thị Phương Lan khẳng định: Cơ quan thuế không nhằm mục đích tăng đánh thuế tài xế mà nhằm thu thuế VAT theo đúng bản chất hoạt động kinh doanh.
Giải thích thêm vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết: Quy định về thuế mới sẽ áp dụng thống nhất đối với tất cả các loại hình dịch vụ vận tải. “Trách nhiệm kê khai thuộc về doanh nghiệp. Theo quy định mức khai là 10% và doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào. Với quy định này, lái xe chỉ có trách nhiệm khai và nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm. Người nào ở dưới mức này sẽ được hoàn lại thuế. Vì thế, đây không chỉ là vấn đề lợi ích của khách hàng, mà cũng chính là lợi ích của các tài xế. Người lái xe cũng cần hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình”, ông Đặng Ngọc Minh nói.
Grab tăng giá cước để bù vào mức thuế VAT
Để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi Thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab vừa tăng giá 5 - 6% dịch vụ taxi, xe "ôm" công nghệ trên toàn quốc.
Theo đó, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng. Grab cũng tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500 - 1.000 đồng tuỳ từng thành phố. Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh. Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ. Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.