Giá kim loại quay đầu giảm mạnh
Khép lại ngày giao dịch 22/5, sắc đỏ bao trùm bảng giá kim loại sau nhiều phiên tăng liên tiếp. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim tiếp tục giảm mạnh do sức ép vĩ mô. Chốt phiên, giá bạc giảm 1,81% về 31,49 USD/ounce, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của giá bạc trong hơn 3 tuần. Giá bạch kim cũng giảm 1,06%, dừng chân tại 1.049,7 USD/ounce, thấp nhất một tuần.
Theo biên bản cuộc họp lãi suất tháng 5 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) được công bố vào rạng sáng nay, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tỏ ra lo ngại hơn về lạm phát và sẽ mất nhiều thời gian hơn để họ có được niềm tin rằng lạm phát hạ nhiệt về 2%. Bên cạnh đó, biên bản cũng cho thấy các nhà hoạch định chính sách đều thận trọng về thời điểm nới lỏng chính sách.
Biên bản cuộc họp này đã làm lung lay kỳ vọng FED hạ lãi suất vào tháng 9 năm nay. Theo công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường đang định giá 59% khả năng FED cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9, giảm từ mức 65,7% trong phiên trước đó. Đồng USD cũng tăng mạnh trở lại, với chỉ số Dollar Index tăng 0,29% lên 104,93 điểm. Lo ngại FED tiếp tục trì hoãn hạ lãi suất trong khi chi phí đầu tư tăng cao đã kéo giá kim loại quý lao dốc trong phiên hôm qua.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX lao dốc 5,04%, đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Sức ép vĩ mô tăng cao cũng là yếu tố gây áp lực lên giá đồng trong phiên. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một vài tín hiệu tích cực hơn về nguồn cung cũng làm gia tăng lực bán đối với đồng.
Cụ thể, các Giám đốc điều hành cấp cao trong ngành khai thác đồng của Peru đều đồng thuận rằng nước này có thể đạt được mục tiêu sản xuất 3 triệu tấn đồng trong năm nay, cao hơn so với sản lượng 2,76 triệu tấn của năm ngoái. Trong thời gian tới, Peru sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc cấp giấy phép môi trường để mở rộng một số dự án khai thác quan trọng.
Ở chiều ngược lại, quặng sắt đi ngược chiều nhóm kim loại khi bật tăng 1,34% lên 122,41 USD/tấn, mức cao nhất 3 tháng. Do không chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố vĩ mô, giá quặng sắt vẫn được hưởng lợi nhờ kỳ vọng tiêu thụ cải thiện sau khi Trung Quốc công bố gói hỗ trợ mới cho lĩnh vực bất động sản, bất chấp nhu cầu thực tế vẫn còn yếu. Dữ liệu cho thấy tồn kho quặng sắt tại các cảng lớn của Trung Quốc đang ở mức 147,4 triệu tấn, tăng 6% so với đầu tháng 3.
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp
Kết thúc ngày 22/5, giá dầu giảm ngày thứ ba liên tiếp do nhu cầu có dấu hiệu suy yếu và sức ép vĩ mô đồng thời gây áp lực. Giá dầu WTI giảm 1,39% xuống còn 77,57 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,18% xuống 81,90 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thế giới hiện đã về mức thấp nhất trong 1 tuần qua.
Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/5 ghi nhận mức tăng 1,82 triệu thùng, trái ngược với dự báo của thị trường và thấp hơn một chút so với mức công bố tăng 2,48 triệu thùng của Viện dầu khí Mỹ API. Tuy nhiên, tồn kho xăng giảm gần 1 triệu thùng/ngày.
Bất chấp xuất khẩu và tỷ lệ lọc dầu cao hơn cùng với sản lượng ổn định, tồn kho dầu thô vẫn tăng khi số liệu điều chỉnh của EIA, theo dõi lượng dầu thô chưa được tính toán, đã tăng lên 1,4 triệu thùng vào tuần trước, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11.
Nhập khẩu ròng dầu thô của Mỹ tuần trước đã giảm 676.000 thùng/ngày, với khối lượng từ Mexico chạm mức thấp kỷ lục 184.000 thùng/ngày. Các dữ liệu cho thấy thị trường bắt đầu tiêu thụ nhiều xăng hơn khi đang dần bước vào mùa tiêu thụ cao điểm. Tuy nhiên, tồn kho dầu vẫn cao và nhập khẩu suy giảm phản ánh nhu cầu này vẫn còn khá hạn chế, từ đó gây áp lực cho giá dầu trong phiên.
Thị trường dầu thô vật chất đang ghi nhận một số tín hiệu suy yếu. Chênh lệch giá giữa hợp đồng tháng đầu tiên của Brent so với hợp đồng tháng thứ hai, được gọi là trạng thái bù hoãn bán, đang gần mức thấp nhất kể từ tháng Giêng đầu năm.
Mặt khác, về yếu tố vĩ mô, biên bản cuộc họp lãi suất tháng 5 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) được công bố vào rạng sáng nay cũng đã góp phần gây sức ép cho giá dầu.